Thứ Hai, 20/1/2025
Mù Cang Chải với những bước chuyển mình thoát nghèo

Người dân huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ máy cày để phát triển sản xuất

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo sự chỉ đạo của tỉnh và Trung ương, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức 19/19 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra. Kinh tế có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giảm từ 36,0% năm 2015 xuống còn 30,5% năm 2020; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 31,3% lên 35,0%; tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ tăng từ 32,6% lên 34,5% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đạt 20,44 triệu đồng/người/năm, tăng 7,4 triệu đồng/người so với năm 2015. 

Sản xuất nông nghiệp tăng cả về diện tích, năng suất và chất lượng. Tổng diện tích cây lương thực có hạt năm 2020 đạt 11.600 ha, tăng 3.060 ha so với năm 2015; trong nhiệm kỳ đã khai hoang mới trên 300 ha ruộng, đưa diện tích ruộng bậc thang toàn huyện đạt trên 4.570 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 đạt trên 45.150 tấn, tăng gần 10 nghìn tấn so sới năm 2015, vượt 7% so với mục tiêu Nghị quyết.

Một số giống cây trồng mới đưa vào thử nghiệm đạt kết quả tốt như: Cải dầu, lúa mì, lê Đài Loan, sơn tra ghép, hồng giòn, hoa hồng... Hoàn thành việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp và một số chuỗi liên kết giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa như: sơn tra, mật ong, gà đen Mù Cang Chải... đưa giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 ước đạt 566 tỷ đồng, tăng 54% so với 2015, vượt 10% mục tiêu Nghị quyết.

Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 61% năm 2015 lên 67,1% năm 2020, vượt 6,3% so mới mục tiêu Nghị quyết. Hằng năm, kinh tế đồi rừng đem lại nguồn thu từ 300 - 400 tỷ đồng cho Nhân dân (chủ yếu từ Sơn tra, Thảo quả, khai thác chế biến gỗ rừng trồng và một số loại dược liệu quý), đồng thời, người dân còn được hưởng lợi hàng chục tỷ đồng/năm từ nguồn phí dịch vụ môi trường rừng - đây là những nguồn lực quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Các dự án đầu tư phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ gìn môi trường sinh thái. Trong nhiệm kỳ đã có thêm 03 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, đến nay trên địa bàn huyện có 05 nhà máy, công suất thiết kế đạt 89,5 MW, hằng năm đóng góp trên 50% thu ngân sách địa phương.

Phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, góp phần chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với phát triển du lịch. Năm 2020, toàn huyện có 246 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng 60 cơ sở so với năm 2015. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2020 đạt 387 tỷ đồng, tăng 93,5% so với năm 2015, tăng bình quân 36 tỷ đồng/năm, vượt 16% Nghị quyết; chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 12,75%/năm.

Phát huy giá trị của Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang và bản sắc văn hóa dân tộc, huyện đã chú trọng xây dựng một số sự kiện, sản phẩm du lịch trở thành thương hiệu đặc trưng, hấp dẫn đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đổ về mỗi năm, như: Du lịch Mùa nước đổ; Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang gắn với Fetival dù lượn “Bay trên mùa vàng”, “Bay trên mùa nước đổ”.

Đồng thời hướng dẫn, tạo môi trường và cơ chế khuyến khích người dân làm du lịch, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay ở một số bản, nhiều hộ dân đã biết làm du lịch cộng đồng và phát triển kinh tế từ dịch vụ du lịch, tạo ra nguồn thu ổn định. Lượng du khách đến với huyện tăng nhanh qua các năm (trung bình 100 nghìn lượt người/năm). Năm 2019 đạt trên 250.000 lượt (khách quốc tế 30.000 lượt), doanh thu từ du lịch đạt 95 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2015.

Trong nhiệm kỳ, huyện đã mở mới 140 km và kiên cố hóa thêm được 187 km/742 km đường giao thông nông thôn (đạt tỷ lệ 25%); sửa chữa, nâng cấp, làm mới 97 công trình thủy lợi, nâng tổng số các công trình được kiên cố lên 164/698 công trình (đạt tỷ lệ 29,6%), phục vụ tưới tiêu cho 4.570 ha đất trồng lúa nước; tạo điều kiện cho bà con mở mang giao thương, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và thu hút du lịch.

Từ năm 2015 đến 2018, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, băng tuyết, gió lốc, mưa đá, mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét… làm thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Huyện đã huy động, hỗ trợ gần 6,3 tỷ đồng để di dời, tái định cư 360 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở; tu sửa, khắc phục trên 280 công trình công cộng bị hư hại, hỗ trợ gần 12 tỷ đồng cho các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai.

Mặt khác, huyện thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cho gần 54,3 nghìn lượt đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí gần 18,4 tỷ đồng; trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 352 lượt đối tượng người có công với cách mạng; hỗ trợ đột xuất cho 209 đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro bất khả kháng, kinh phí trên 3,0 tỷ đồng; hỗ trợ làm nhà ở cho 239 hộ, kinh phí trên 6,6 tỷ đồng.

Từ đây, người dân có thêm động lực tự vươn lên thoát nghèo; chất lượng cuộc sống Nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng trên 7 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỷ lệ giảm hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 8,4%/năm, vượt gần 2% so với mục tiêu Nghị quyết (tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm còn 40,62%, năm 2020 dự kiến còn 33,12%).

Năm 2019, Đảng bộ huyện đã phát động và tổ chức triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; nhiều điển hình tiên tiến gắn với các phong trào quần chúng, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, thi đua sản xuất giỏi, thực hiện mục tiêu giảm nghèo được ghi nhận và biểu dương.

Trong 5 năm tới, với quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.

Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đề ra 23 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó phấn đấu thực hiện đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020; số lượng khách du lịch đến huyện bình quân 200.000 lượt người/năm; mỗi năm tạo việc làm mới cho ít nhất 1.200 lao động, số hộ nghèo giảm 7% trở lên (theo chuẩn nghèo của từng thời kỳ), duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 67,7% trở lên…

Cùng với việc triển khai thực hiện 3 đột phá theo định hướng chung của tỉnh, huyện cũng tập trung vào thực hiện 4 chương trình trọng điểm. Đó là: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; Chương trình Phát triển du lịch “Xanh, Bản sắc, An toàn, Thân thiện”; Chương trình phát triển nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp, dịch vụ và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Trong đó, huyện sẽ phát triển mạnh các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị; tăng diện tích đất trồng lúa 2 vụ lên trên 2.000 ha, phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2025 đạt trên 47.100 tấn; chuyển đổi một số diện tích nương trồng ngô sang trồng một số loại cây ăn quả có giá trị; khuyến khích phát triển cây dược liệu dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng, chế biến một số loại cây dược liệu có giá trị và tạo cảnh quan du lịch.

Kết hợp với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng bán chăn thả. Chú trọng phát triển giống bản địa có giá trị như: Trâu, bò, lợn đen, dê và gà đen...; củng cố, mở rộng các mô hình Hợp tác xã nuôi ong lấy mật; có giải pháp cụ thể phát triển diện tích nuôi cá nước lạnh, mở rộng diện tích nuôi cá ruộng trong Nhân dân.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp, dược liệu; phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, trong đó chú trọng công tác phân luồng và phát triển nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Đề xuất xây dựng khu dự trữ sinh quyển xã Chế Tạo gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Cải tạo, thay thế diện tích cây sơn tra, cây chè già cỗi, phát triển mạnh một số loại cây dược liệu dưới tán rừng; ưu tiên lựa chọn trồng rừng là những loại cây gỗ lớn bản địa để tăng chất lượng rừng, duy trì đa dạng sinh học, nâng cao khả năng giữ nguồn nước, mỗi năm trồng mới 250 ha rừng tập trung.

Bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống dân tộc Mông, Thái (thổ cẩm, trang phục, nhạc cụ dân tộc, sản phẩm rèn, đúc, nấu rượu thóc...). Hình thành các tổ, nhóm thợ,.. sản xuất sản phẩm theo hướng phục vụ thị hiếu của khách du lịch. Các cơ sở dịch vụ du lịch đẩy mạnh liên kết với các cơ sở, hộ sản xuất để trưng bày, bán các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp của địa phương…

Cùng với đó là đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách đến với huyện thường xuyên, ngoài các thời điểm có sự kiện du lịch trong năm; khuyến khích người dân tham gia làm du lịch và  sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm sản, dược liệu... tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động… Mù Cang Chải quyết tâm xây dựng trở thành huyện phát triển xanh và thoát nghèo bền vững./.

Huyền Thương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất