Thứ Hai, 20/1/2025
Những kết quả trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 tại Bình Phước

Kết quả đã giảm 7.936 hộ nghèo (từ 14.627 hộ nghèo đầu năm 2016 xuống còn 6.691 hộ nghèo vào cuối năm 2019, tương đương tỷ lệ là 3,59%), bình quân mỗi năm giảm được 0,89%, giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 6,15% vào đầu năm 2016 xuống còn 2,56% vào đầu năm 2020. Số xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15% cũng giảm từ 16 xã xuống còn 3 xã. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cũng giảm từ 15,3% xuống còn 7,6%, đáng chú ý là toàn tỉnh không còn đối tượng người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có chính sách ưu tiên giảm nghèo cho 1.000 hộ nghèo ĐBDTTS năm 2019 với tổng nguồn lực được huy động để thực hiện trên 61,7 tỷ đồng, kết quả đã giảm được 1.108 hộ nghèo ĐBDTTS, đạt 111% so với kế hoạch. Năm 2020, tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu giảm 1.250 hộ nghèo ĐBDTTS với kinh phí dự kiến 75,2 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả như trên, là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo bền vững đã được triển khai đồng bộ đến với các hộ nghèo một cách hiệu quả điển hình như Chương trình 135 với tổng kinh phí hơn 120 tỷ đồng đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Chương trình đã đem lại hiệu quả không chỉ về phát triển kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa về an ninh quốc phòng ở vùng dân tộc và miền núi, vùng biên giới của tỉnh, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện cho họ hòa nhập vào sự phát triển chung. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã xây dựng 08 mô hình giảm nghèo chăn nuôi dê, bò sinh sản, nuôi gà thả vườn. Các mô hình lựa chọn phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người nghèo và phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo thêm việc làm góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho hộ nghèo.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo luôn được các cấp, các ngành và các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả như chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin… góp phần cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo.

Việc thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần vào việc giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân.

Tuấn Thư


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất