Thứ Năm, 19/12/2024
Quảng Trị: kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Theo số liệu điều tra, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn tỉnh Quảng Trị đầu năm 2016 chiếm 22,53% so với tổng số hộ dân, trong đó hộ nghèo chiếm 15,43% với 24.579 hộ và hộ cận nghèo chiếm 7,10% với 11.319 hộ; có 12 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng bãi ngang ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ; 18 xã vùng biên giới, 29 xã ĐBKK và 22 thôn, bản ĐBKK vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng số hộ nghèo ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và bãi ngang ven biển là 8.114 hộ, chiếm tỉ lệ 33% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Giai đoạn 2016- 2019 tổng nguồn vốn huy động bố trí cho chương trình giảm nghèo bền vững là 626.820 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương 582.287 triệu đồng, ngân sách địa phương 682 triệu đồng, vốn huy động từ cộng đồng và doanh nghiệp 43.851 triệu đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững đã giải ngân được 489.309 triệu đồng, đạt 78,06% kế hoạch. Qua hơn 4 năm triền khai thực hiện, tỉ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm 7,34%, bình quân 1,84%/năm; huyện nghèo Đakrông giảm 22,80%, bình quân 5,70%/năm. Ước năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,6%, trong đó huyện Đakrông giảm 5,6%, theo đó, tỉ lệ giảm hộ nghèo tỉnh Quảng Trị vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 của HĐND tỉnh Quảng Trị và Quyết định số 1865/ QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020. 


 Phát triển mô hình chăn nuôi gà để tăng thu nhập cho gia đình

Về cơ sở hạ tầng tại huyện nghèo Đakrông, các xã, thôn, bản ĐBKK, vùng miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo cơ bản đạt được chỉ tiêu đề ra. Đối với các xã ĐBKK vùng bãi ngang có 100% xã đạt chuẩn về y tế, giáo dục, giao thông, điện sinh hoạt và thông tin truyền thông, trục giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật trong khu vực tăng từ 76,56% lên 93,75%. Đối với các xã ĐBKK vùng miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở, 100% xã có trạm y tế, 100% xã đã có bác sĩ, được trang cấp thiết bị y tế và các loại thuốc thông dụng; 100% xã, thị trấn đã có điện thoại cố định và đa số các xã đã có mạng điện thoại di động; 100% xã được phủ sóng truyền thanh, truyền hình; trong giai đoạn có 1 xã thoát tình trạng ĐBKK, 45,45% số thôn ĐBKK (10 thôn) thoát khỏi tình trạng ĐBKK.

Đối với việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được tiếp cận tốt, qua đó tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tỉ lệ hộ thiếu hụt khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giảm từ 5,46% (năm 2016) xuống 2,32% và tỉ lệ hộ thiếu hụt về bảo hiểm y tế giảm từ 29,40% xuống 19,06% cuối năm 2019. Thiếu hụt về tình trạng giáo dục của người lớn đã giảm từ 25,33% xuống 21,94%; thiếu hụt về tình trạng đi học của trẻ em giảm từ 7,98% xuống còn 3,69%; thiếu hụt về chất lượng nhà ở của toàn tỉnh năm 2016 là 40,95%, giảm xuống còn 39,22% cuối năm 2019. Người nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt tỉ lệ 72,68% (tăng 6% so với đầu năm 2016). Tỉ lệ hộ thiếu hụt về sử dụng dịch vụ viễn thông đã giảm từ 38,07% xuống còn 30,27% và tỉ lệ thiếu hụt về tài sản phục vụ tiếp cận thông tin giảm từ 18,87% xuống còn 15,84%. 

Để đạt được những thành quả đáng kể nêu trên là nhờ công tác chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện chương trình tích cực từ nhiều phía. HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 10/2018/ NQ-HĐND về định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất, đã tạo hành lang pháp lý giúp Ban chỉ đạo cũng như người dân có cơ sở thực hiện nhanh các thủ tục nhằm triển khai các dự án đúng tiến độ, hiệu quả. Công tác chỉ đạo điều hành có sự thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương vì vậy đã tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, xã hội; tạo điều kiện cho người dân nói chung và người nghèo nói riêng tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, cũng như tiếp cận các chính sách giảm nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.

Thông qua tác động của việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, trong 4 năm, toàn tỉnh có 14.807 hộ thoát nghèo, bình quân 3.701 hộ/năm, chiếm tỉ lệ 17,99% so với tổng số hộ nghèo đầu năm. Cuối năm 2019, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm 10.478 hộ so với đầu năm 2016; tương ứng giảm 7,34% về tỉ lệ, bình quân giảm 2.020 hộ/năm tương ứng 1,84% về tỉ lệ. Những thành tựu đạt được trong thời gian qua là động lực để chính quyền và Nhân dân Quảng Trị tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra của chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Xuân Tịnh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất