Thứ Ba, 21/1/2025
“Dân vận khéo” giúp người dân xây dựng nông thôn ở vùng biên Nghệ An
 

Bộ CHQS tỉnh Nghệ An giúp xã Nậm Giải xây dựng đường giao thông nông thôn


Còn nhớ tháng 10 năm 2007, trận lũ quét lịch sử đã nhấn chìm Nậm Giải. Tang thương bao trùm lên mảnh đất ấy khi 13 người dân chân chất hiền lành như hạt lúa, củ khoai của bản Pục, bản Méo bị chết và mất tích do nước lũ cuốn trôi. Không để người dân bị đói khát, thiếu đất sản xuất và sống cảnh màn trời chiếu đất, Đảng ủy Bộ Chỉ hủy Quân sự (CHQS) tỉnh Nghệ An nhanh chóng họp bàn tìm cách “cứu” bà con trong cơn khốn khó. Ngay lập tức, 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh nhận lệnh cấp tốc hành quân lên Nậm Giải giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” và chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An về việc giao các ban, ngành giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp các xã khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa, từ năm 2012 đến nay Bộ CHQS tỉnh nhận “đỡ đầu” xã Nậm Giải. Thời điểm ấy, Nậm Giải vẫn còn nghèo lắm, chồng chất khó khăn. Hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất sỏi ghồ ghề nối giữa các bản làng. Trình độ dân trí rất thấp. Tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 80%. Địa hình toàn rừng núi cheo leo hiểm trở. Phong tục tập quán vẫn còn rất cổ hủ, lạc hậu. Hầu hết các gia đình vẫn nhốt nuôi trâu bò ngay dưới nhà sàn của mình, người dân đa phần sử dụng nhà vệ sinh tự đào nên gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe nghiêm trọng. Trường học, trạm y tế chưa được đầu tư đáng kể nên việc học và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho con em đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế. Hệ thống kênh mương dẫn nước tưới tiêu và sinh hoạt hàng ngày không có, chủ yếu phụ thuộc vào khe suối. Bài toán giúp Nậm Giải xây dựng nông thôn mới của Bộ CHQS tỉnh rơi vào khó khăn thực sự. Nhưng cái khó không thể “bó buộc” được tình cảm và trách nhiệm của những người lính quê Bác đối đồng bào các dân tộc ở Nậm Giải. Để sớm giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, ngoài việc đòi hỏi phải ổn định nơi ăn ở, cải tạo đất sản xuất cho bà con; còn phải tìm mọi cách đưa bằng được dòng nước về cánh đồng Na Hốc để đảm bảo cho bà sản xuất. Thời tiết mùa hè hết sức khắc nghiệt, đồi núi lại trập trùng nên bộ đội phải cật lực dùng cuốc xẻng, xà beng xẻ núi bạt rừng để lắp đặt đường ống dẫn nước dài hơn 1 km về cho dân. Ngày đầu tiên nhìn thấy những giọt nước bạc trắng được đưa về cánh đồng Na Hốc mang theo mùa màng ấm no, dân bản sung sướng tột cùng, tiếng reo vui vỡ òa vang vọng bên sườn núi “Nước về rồi. Nước về rồi. Cảm ơn bộ đội nhiều lắm!”.

Có lẽ gian nan nhất là những ngày “3 cùng” với bà con dân bản để tuyên truyền vận động người dân di dời trâu bò nuôi nhốt ngay dưới nhà sàn ra vị trí khác để khỏi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Ban đầu người dân không chịu lắng nghe bộ đội vì cho rằng bao đời nay họ vẫn sống chung với gia súc mà sức khỏe vẫn bình thường. Cái tư tưởng “bám rễ” ấy của đồng bào thật không dễ xoay chuyển. Không còn cách nào khác, những người lính sử dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”. Bằng sự kiên trì vận động cộng với cái chất mộc mạc, thật thà, thương dân hiếm thấy, cuối cùng dân bản cũng dần hiểu ra và thực hiện theo. Tin yêu bộ đội, nhiều bà con đã tình nguyện hiến đất mở đường và hồ hởi tham gia lao động cùng. Giữa thời tiết nắng nóng gay gắt, gần 60 cán bộ, chiến sỹ của Bộ CHQS tỉnh cùng người dân hăng say lao động hoàn thành con đường bê tông rộng đẹp nối liền các bản với trung tâm xã.

 
 Bộ CHQS tỉnh Nghệ An trao tặng bò giống cho các gia đình đặc biệt khó khăn của xã Nậm Giải 


Bên cạnh đó, để giúp các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, đơn vị chọn mua 30 con bò giống trao tặng bà con. Hiện nay, đàn bò đã sinh sản được hơn 100 con, góp phần không nhỏ giúp người dân cải thiện đời sống và có điều kiện nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn.

Để có nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ bà con dân bản lâu dài, Bộ CHQS tỉnh phát động phong trào “Tiết kiệm bản thân để phần người khó”. Theo đó, mỗi tháng, tất cả cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ CHQS tỉnh tình nguyện đóng góp 30.000 đồng ủng hộ. Ngoài ra, hàng năm đều tổ chức các tổ đội công tác hành quân lên Nậm Giải khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho đồng bào.

Từ những sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả trên của cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An nên tỷ lệ hộ nghèo của xã Nậm giải đã giảm mạnh từ 78% xuống còn gần 40%, dự kiến cuối năm nay sẽ đạt 11 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và trở thành “điểm sáng” của huyện miền núi Quế Phong.

Phấn khởi trước sự đổi thay nhanh chóng của quê hương, đồng chí Sầm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nậm Giải vui vẻ chia sẻ: “Hiện nay, bộ mặt nông thôn mới của xã đã có nhiều khởi sắc hơn trước rất nhiều. Chất lượng cuộc sống của bà con dân bản đã được nâng lên rõ rệt. Các thiết chế văn hóa, trường học, trạm y tế xã đều được Bộ CHQS tỉnh quan tâm đầu tư cơ bản. Vào dịp lễ tết, Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh luôn đến trao tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người neo đơn. Vì vậy, sự tin tưởng của bà con ở đây đối với Đảng, Nhà nước và đặc biệt là đối với bộ đội rất cao”.

 

Quân Y Bộ CHQS tỉnh Nghệ An khám, chữa bệnh cho bà con xã Nậm Giải 


Đại tá Dương Minh Hiền, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh phấn khởi cho biết “Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh xác định việc hỗ trợ trực tiếp các xã khó khăn ở vùng sâu, vùng xa là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thông qua đó nhằm tăng cường tình đoàn kết quân dân, cùng sẻ chia giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở tuyến biên giới. Hằng năm, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Nậm Giải tổ chức khảo sát thực tế để xây dựng kế hoạch sát với yêu cầu phát triển của địa phương và mong ước của bà con!”.

Gần 10 năm đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân Nậm Giải, cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh đã hỗ trợ gần 5 tỉ đồng, 105 tấn xi măng, hàng ngàn ngày công. Bộ đội luôn cống hiến, giúp đỡ bà con dân bản một cách tận tâm, tận lực, không bao giờ ngại khó, ngại khổ. Không chỉ trao tặng bò giống, làm đường bê tông giao thông mà còn thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến mọi người dân. Nhiều đồng chí cán bộ sau thời gian về Nậm Giải làm dân vận đã hiểu rõ phong tục tập quán, nói tiếng dân tộc và thông thuộc địa bàn chẳng thua kém gì người dân bản địa.

Nậm Giải nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt, khởi sắc trông thấy. Hệ thống đường giao thông nông thôn nối liền giữa các thôn bản đã được bê tông hóa phẳng lì. Đêm đến ánh điện sáng trưng các bản làng. Trạm Y tế của xã xây dựng khang trang, hiện đại hơn. Trường học kiên cố; 8/8 bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, được trang bị đầy đủ các vật chất cần thiết như khánh tiết, tượng Bác Hồ, loa đài, bàn ghế. Cánh đồng Na Hốc ngày nào bị vùi lấp trong tầng tầng đất đá nay mướt mát màu xanh của lúa đang thì con gái. Cuộc sống bà con các dân tộc nơi đây ổn định, từng bước khởi sắc góp phần rất lớn trong việc củng cố nền quốc phòng và an ninh. Đó cũng chính là công việc ý nghĩa và thầm lặng trong suốt thời gian qua mà cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã dốc lòng thực hiện./.

Nguyễn Tâm Quang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi