Thứ Ba, 21/1/2025
'Dân vận khéo' và những quả ngọt trong xây dựng nông thôn mới ở Thọ Xuân

 

Mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới theo hướng công nghệ cao tại xã Xuân Khánh.

Thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện Thọ Xuân mới đạt bình quân 5,6 tiêu chí/xã. Qua rà soát, hầu hết các xã thiếu nhà văn hóa, khu thể thao, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục chưa đạt chuẩn, hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng phục vụ cho sản xuất và đi lại mới chỉ đáp ứng được 50% so với yêu cầu. Với mục tiêu xây dựng huyện Thọ Xuân sớm trở thành huyện nông thôn mới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong huyện đã tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng từ huyện đến xã chủ động phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”.

Với phương châm “Thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi” hệ thống dân vận của huyện, cũng như phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” tập trung vào những vùng đặc thù như đồng bào dân tộc, có đạo và các xã còn nhiều khó khăn để huy động sức mạnh từ nhân dân cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bằng nhiều hình thức trong tuyên truyền, vận động qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn và đến từng hộ gia đình, huyện Thọ Xuân đã huy động được sức dân đóng góp tiền, hiến đất mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi ở nông thôn, với tổng kinh phí hơn 3.869 tỷ đồng, chiếm 55,12% tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhân dân đóng góp tiền mặt 93,3 tỷ đồng; tham gia 515.000 ngày công lao động, ước tính giá trị khoảng 61,8 tỷ đồng; hiến hàng chục nghìn m2 đất với trị giá 55,8 tỷ đồng. Đồng thời, huyện cũng vận động con em xa quê ủng hộ 112,9 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã thực hiện bê tông hóa, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp gần 1.000 km đường giao thông nông thôn và 610,9 km đường giao thông nội đồng; cải tạo, xây mới 141,3 km kênh mương nội đồng; xây mới, nâng cấp 340 nhà văn hóa và khu thể thao thôn; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 8.583 nhà ở dân cư.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, huyện Thọ Xuân tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống dân vận để cổ vũ, tập hợp quần chúng Nhân dân chung sức hiện thực hóa mục tiêu đến hết năm 2020 có thêm 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm; phấn đấu đến năm 2030, huyện Thọ Xuân có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng/năm; không còn hộ nghèo và xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trở thành thị xã mới của tỉnh.

Phạm Khuê

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi