Thứ Tư, 18/12/2024
Xây dựng nông thôn mới: Cần chấn chỉnh biểu hiện chạy theo thành tích, huy động quá sức dân


Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới; kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, đời sống vật chất của nông dân ngày càng được nâng cao...

Đến tháng 6 năm 2020, cả nước đã có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã (4,2%) so với cuối năm 2019; có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã; có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 14 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước đã có 62/63 UBND tỉnh đã phê duyệt, triển khai Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP; có 34 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 1.730 sản phẩm OCOP của 1.005 chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Năm 2020 là năm then chốt thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại của giai đoạn 2016-2020 theo hướng nâng cao chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành Trung ương cần căn cứ Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo đã được ban hành để tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương theo địa bàn được phân công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu còn lại của Chương trình trong năm 2020. Đặc biệt, phải kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các biểu hiện chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, tự thỏa mãn với thành tích đã đạt được. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lồng ghép các mục tiêu, nội dung về xây dựng nông thôn mới vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Về Báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan rà soát, xem xét điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các mục tiêu, nội dụng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm; điều chỉnh phương án đề xuất nguồn lực cho phù hợp để vừa bố trí đủ cho các nội dung bổ sung, vừa tránh chồng chéo, vừa tạo điều kiện lồng ghép, phối hợp chặt chẽ với Chương trình mục tiêu quốc gia  giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm đảm bảo thiết thực, nâng hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, làm rõ vấn đề quy hoạch nông thôn mới cấp xã, huyện trong cả nước, từ đó xác định các nội dung trọng tâm để đề xuất Chương trình phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, của lĩnh vực giai đoạn 2021 - 2025; xác định rõ định hướng phát triển kinh tế nông thôn toàn diện, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống một cách bền vững cho người dân nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan có liên quan chủ động hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; sớm hoàn thiện các thủ tục để trình Quốc hội phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư Chương trình.

Về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện Bộ tiêu chí, đảm bảo tính khả thi. Trong đó, cần lượng hóa các tiêu chí, xây dựng các tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nguồn lực của địa phương, từng vùng, từng khu vực; phù hợp về địa lý, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi vùng.

Ngọc Mai

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất