Thứ Năm, 19/12/2024
Nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam


Giai đoạn 2016 - 2020, đánh dấu giai đoạn 2 trong lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước, với mục tiêu tổng quan là xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.

Theo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 78/HD-MTTW-BTT ngày 24/4/2017 về nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, cấp xã; tổ chức và hướng dẫn lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân (nay được bổ sung, sửa đổi là Hướng dẫn số 122/HD- MTTW-BTT ngày 16/01/2019 về việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới).

Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lựa chọn và chỉ đạo 10 tỉnh, thành phố làm điểm đánh giá sự hài lòng của người dân đối với xây dựng nông thôn mới của Trung ương. Kết quả bước đầu triển khai thực hiện chung trên địa bàn cả nước cho thấy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã thực hiện tốt vai trò phối hợp, phân công trách nhiệm, theo dõi và đánh giá kết quả sự hài lòng của người dân từ mỗi cộng đồng. Các ý kiến chưa hài lòng của nhân dân được Mặt trận các cấp tổng hợp và phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền các cấp. Tại một số nơi có tỉ lệ hài lòng của người dân thấp, Mặt trận các cấp đã có văn bản đề nghị dừng công nhận kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Ngày 13/7, Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức toạ đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới và vận động, giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn giao thông của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Tại tọa đàm, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh và Mặt trận các huyện thị trên địa bàn cũng tham gia đóng góp, chia sẻ những cách làm hay trong việc vận động nhân dân tham gia  xây dựng nông thôn mới. 

Tính đến tháng 6/2020, cả nước đã có gần 5.200 xã (hơn 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay có 135 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có 09 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là (Nam Định, Đồng Nai, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ); bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã. Năm 2020 phấn đấu sẽ có 15 huyện, thị thành phố trong cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới; Phấn đấu 100% các huyện đều có xã đạt nông thôn mới. Phấn đấu hết năm 2020 cả nước có trên 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu, chỉ còn dưới 600 xã bình quân dưới 10 tiêu chí...Như vậy mục tiêu phát triển xây dựng nông thôn mới được trải đều khắp cả nước.

Tuy nhiên việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở các địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, tỉnh nghèo nguồn lực còn hạn chế. Hiện còn 18 đơn vị cấp tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Trong điều kiện kinh tế xã hội đất nước đang chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19 vì vậy mục tiêu xây dựng nông thôn mới hết sức nặng nề.

Vì vậy, để công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt hiệu quả trong thời gian tới, thiết nghĩ cần sự quan tâm, chỉ đạo tập trung của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân trong tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy tốt mọi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và khoa học kỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững; Tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng nông thôn theo hướng đáp ứng yêu cầu, đi sâu vào chất lượng và bền vững; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Đồng thời,củng cố, nâng chất hoạt động của Ban công tác Mặt trận đủ sức đáp ứng yêu cầu nội dung của Cuộc vận động trong giai đoạn mới; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình; tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới. Kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới.  

Quốc Bảo 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất