Thứ Hai, 29/4/2024
Quảng Bình: Thực hiện tốt các chính sách để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo

 Mô hình chăn nuôi gà  giảm nghèo tại Quảng Bình

Từ năm 2016 đến nay, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện 482 hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cho 63.692 hộ và 69 mô hình giảm nghèo với 2.020 hộ hưởng lợi như hỗ trợ giống gà, ngô, lạc, keo, nuôi hươu, bò lai Sind, dê cỏ, giống ong nội, dứa, tiêu, cà gai leo, hoa cúc, mít thái, bưởi da xanh, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; mô hình nuôi cá lăng chấm thương phẩm, nuôi cua đồng thương phẩm, nuôi lươn đồng không bùn, trồng hoa cúc, trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi, trồng nấm… Nhiều mô hình hiệu quả, có khả năng phát triển và nhân rộng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã thực hiện nhanh, gọn thủ tục vay vốn, hoàn trả vốn vay đến tận các hộ dân, mở các điểm giải ngân và thu hồi vốn lưu động đảm bảo an toàn, thuận tiện, đúng quy định cho người có nhu cầu vay vốn với dư nợ đạt 3.251 tỷ đồng, doanh số cho vay các chương trình tín dụng đạt 4.183 triệu đồng với 124.311 lượt hộ được vay vốn; doanh số cho vay bình quân hiện nay 33,6 triệu đồng/hộ (tăng 4,3 triệu đồng/hộ so với năm 2016).

Từ nguồn kinh phí được Trung ương phân bổ để đầu tư cơ sở hạ tầng các xã thuộc Chương trình 135, các ngành, địa phương đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 110 công trình, trong đó 77 công trình giao thông; 12 công trình nhà văn hóa, nhà cộng đồng; 08 công trình giáo dục; 04 công trình thủy lợi; 04 công trình trạm y tế; 05 công trình nước sinh hoạt; duy tu bảo dưỡng 310 công trình. Bên cạnh đó, huyện Minh Hóa cũng đã phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển theo Nghị quyết 30a đầu tư 130 công trình, trong đó 94 công trình hoàn thành, chuyển tiếp và 36 công trình khởi công mới; thực hiện duy tu, bảo dưỡng 26 công trình xuống cấp và hư hỏng. Việc đầu tư hạ tầng tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã góp phần thay đổi diện mạo của vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện tiếp cận cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 85,5% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế và 100% trạm y tế có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch; 90% hộ dân được tiếp cận thông tin.

Mặt khác, toàn tỉnh cũng đã tổ chức đào tạo nghề cho 12.361 lao động nông thôn, trong đó 1.695 người thuộc hộ nghèo, 2.094 người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.674 lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm đến việc liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo, tuyển dụng vào làm việc sau đào tạo. Theo đó, hiệu quả sau đào tạo cũng được nâng lên, thu nhập của nhiều lao động tăng, nhiều gia đình đã thoát nghèo và trở thành hộ khá, góp phần đưa tỷ lệ lao động nông thôn sau khi được hỗ trợ đào tạo nghề có việc làm mới, có thêm việc làm hoặc vẫn làm việc cũ nhưng năng suất lao động tăng cao hơn năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng hàng năm từ 02 - 2,5%, đến năm 2019 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,3%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47,5%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ 24,7%.
Đến nay, có gần 997 nghìn người nghèo, người cận nghèo, đồng bào tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người dân đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ  Bảo hiểm y tế; hơn 376 nghìn người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được khám, chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền của tỉnh cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, gặp gỡ đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp... tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, góp phần tạo thêm việc làm mới cho người lao động nhằm giảm nghèo bền vững.

Với việc tổ chức thực hiện tương đối đồng bộ, hiệu quả chính sách giảm nghèo, đến nay, toàn tỉnh có 28.391 hộ thoát nghèo (chiếm 83,3% tổng số hộ nghèo đầu năm 2016), đưa hộ nghèo giảm từ 34.083 hộ xuống còn 12.393 hộ (giảm 21.690 hộ nghèo, tương đương 9,44%, bình quân giảm 2,36%/năm); 39.250 hộ thoát cận nghèo, đưa hộ cận nghèo giảm từ 29.859 hộ xuống còn 16.613 hộ (giảm 13.246 hộ cận nghèo, tương đương 5,97%, bình quân giảm 1,5%/năm). Toàn tỉnh giảm 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên; có 07 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt xã nông thôn mới (trong đó có 06 xã vùng bãi ngang ven biển, 01 xã vùng dân tộc miền núi). Đặc biệt, trong năm 2019, có trên 30 hộ gia đình chủ động làm đơn đăng ký thoát hộ nghèo, hộ cận nghèo là tấm gương và tạo động lực để các hộ nghèo, hộ cận nghèo khác nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao so với bình quân chung của cả nước; số hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội còn 4.718 hộ, chiếm 38,07% tổng số hộ nghèo của tỉnh; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, khả năng tự tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn còn cao, chiếm 57,65% tổng số hộ dân tộc và 29,39% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh… Công tác phối kết hợp giữa một số sở, ban, ngành, đơn vị liên quan có lúc, có mặt chưa thực sự chặt chẽ và kịp thời; nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo phần lớn là vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh, nguồn huy động tại cộng đồng và bản thân tự lực của người nghèo còn hạn chế… ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững mà Nghị quyết 76/2014/QH13 đề ra.

Trong những năm tới, các cấp, các ngành và địa phương chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về ý thức tự lực, tự cường trong lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm rõ vị trí, vai trò của người nghèo, người cận nghèo đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, trong đó người nghèo, người cận nghèo vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, vừa là người hưởng lợi từ Chương trình; tăng cường chính sách hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng tập trung; lựa chọn nội dung, hình thức triển khai phù hợp với nhu cầu, khả năng của người nghèo và thế mạnh của địa phương, gắn với đầu ra, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, rà soát chính sách không phù hợp, sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bãi bỏ các chính sách hỗ trợ cho không; xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù đối với hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; quy định tỷ lệ đóng góp tối thiểu của người dân nhằm huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng trong việc thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù để thuận lợi cho tiến độ giải ngân nguồn vốn…

Ngoài ra, các cấp, các ngành và địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ cập giáo dục và tỷ lệ đào tạo nghề khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ về y tế, tín dụng...

Huyền Thương


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất