Thứ Ba, 21/1/2025
Quảng Bình giảm tỷ lệ hộ nghèo nhờ thực hiện tốt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 và Chương trình 30a, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo, hướng dẫn duy trì và triển khai các dự án, tiểu dựa án hỗ trợ phát triển sản xuất liên quan trực tiếp đến người nghèo, hộ nghèo đảm bảo đúng đối tượng và hiệu quả. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, xã đã phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, hướng dẫn, giám sát, phân bổ nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đối với Chương trình 30a triển khai tại huyện nghèo Minh Hóa, giai đoạn 2016 - 2019, với tổng ngân sách Trung ương bố trí 58.269 triệu đồng, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện hỗ trợ 132 dự án phát triển sản xuất cho 7.819 hộ hưởng lợi; 03 mô hình cho 102 hộ hưởng lợi, bao gồm hỗ trợ giống bò lai sinh sản, giống gà, giống ong, giống ngô, lạc, giống keo, nuôi hươu... ; giao khoán 98.036,97 ha rừng cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Minh Hóa và Ban Quản lý Dự án bảo vệ và phát triển rừng Minh Hóa; hỗ trợ 102.250 liều vắc xin cho 15 xã.

Về thực hiện Chương trình 135, tỉnh cũng đã hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Theo đó, với tổng nguồn vốn 62.169 triệu đồng, tỉnh đã hỗ trợ được 254 dự án phát triển sản xuất, 52 mô hình cho 47.017 hộ hưởng lợi. Các dự án, mô hình hỗ trợ gồm: Nuôi bò lai sinh sản, lợn móng cái, hỗ trợ giống cây trồng (lúa, lạc, ngô), phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật...

Trong quá trình triển khai các dự án, tiểu dự án, mô hình phát triển sản xuất, các địa phương đã có những định hướng phát triển tập trung vào loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, có giá trị kinh tế cao. Nhiều dự án, tiểu dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực cho vùng dự án và đồng bào các xã đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tích cực cho các hộ dân vùng dự án, đồng bào các dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu và áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất được mở rộng, các ngành nghề, dịch vụ, phục vụ sản xuất được chú trọng và phát triển hơn. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi được hỗ trợ đã hăng say sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm trong nông nghiệp, lâm nghiệp từng bước nâng cao đời sống cho người nông dân, một số hộ đã tự túc được lương thực, thu nhập được nâng lên, có của ăn của để, từng bước thoát nghèo.

Kết quả, sau 04 năm triển khai thực hiện, các tiểu dự án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cùng với các chính sách chương trình giảm nghèo đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 34.083 hộ, chiếm 14,42% đầu năm 2016 xuống còn 13.393 hộ, chiếm 4,98 %; hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm từ 29.859 hộ chiếm 12,64% đầu năm 2016 xuống còn 16.613 hộ chiếm 6,67% vào đầu năm 2020.

Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi của các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trong các dự án, tiểu dự án của chương trình còn ít, chưa tập trung; quy mô các tiểu dự án, dự án của một số địa phương còn dàn trãi, số lượng các đối tượng tham gia nhiều; khả năng huy động nguồn lực của đối tượng tham gia hạn chế nên nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao và mức sống của các hộ gia đình còn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình chung. Khoảng cách giữa các hộ nghèo và không nghèo ở các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn ngày một nới rộng, vì vậy vẫn cần có chính sách hỗ trợ giảm nghèo tiếp theo ở các xã này trong những năm tới.

Để tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa, nâng mức thu nhập bình quân đầu người cho các vùng hưởng thụ dự án, nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân nhằm thay đổi suy nghĩ, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, phát triển dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các loại hình mô hình giảm nghèo, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các mô hình khởi nghiệp cho người nghèo; tiếp tục hỗ trợ cho đồng bào các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc đảm bảo hiệu quả công tác giảm nghèo; đồng thời tăng mức bố trí ngân sách tỉnh cho các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đảm bảo hiệu quả; đẩy mạnh hỗ trợ các dự án dựa trên nhu cầu, thế mạnh của cộng đồng, qua đó phát huy, khai thác tối đa các nguồn lực từ cộng đồng trong triển khai các mô hình phát triển sản xuất.

Huyền Thương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi