Theo số liệu điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, đầu năm 2017, thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) còn 255 hộ nghèo, chiếm 1,08% tổng số hộ dân và 139 hộ cận nghèo. Năm 2018, toàn thành phố đã giảm 127 hộ nghèo (chỉ tiêu giảm 24 hộ), đạt 529% so kế hoạch... Toàn thành phố hiện còn 42 hộ nghèo, chiếm 0,17% tổng số hộ dân và 54 hộ cận nghèo. Trong đó, các phường Tiến Thành, Tân Phú, Tân Xuân, Tân Bình cơ bản không còn hộ nghèo.
|
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ là nơi tạo ra nhiều việc làm cho người dân trên địa bàn
|
Trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, các cấp chính quyền TP Đồng Xoài (Bình Phước) đã nhất quán phương châm “cho cần câu chứ không cho con cá”. Chính vì vậy, không ít hộ dân đã chủ động phát triển kinh tế, tham gia và thành lập HTX nhằm tạo sinh kế bền vững, từ đó vươn lên thoát nghèo.
Một trong những mô hình kinh tế đi đầu ở TP Đồng Xoài hiện nay là mô hình sản xuất của HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Nguyên Khang Garden, đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao và phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa bền vững. Hoạt động hiệu quả của HTX đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Theo ban giám đốc HTX, thực tế ngành nông nghiệp các tỉnh Nam Bộ đang phải đối mặn với hạn hán, xậm nhập mặn nghiêm trọng. Do đó, cần nhanh chóng thay đổi công nghệ, phương thức sản xuất nhằm đảm bảo năng suất cây trồng, và rau màu đang là đối tượng cây trồng dễ đầu tư theo hướng công nghệ cao nhất.
Chỉ cần nông dân ứng dụng thêm công nghệ tiên tiến sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất, nhờ đó giảm thiểu tác hại của môi trường, quản lý dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu về nguồn nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Để đầu tư mô hình sản xuất công nghệ cao, HTX Nguyên Khang Garden đã chi ra hàng chục tỷ đồng để áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Riêng rau xà lách được trồng theo phương pháp thủy canh, còn dưa lưới, đậu đũa, dưa chuột, hoa lan được trồng bằng giá thể xơ dừa, sử dụng thế thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân vào từng gốc cây.
Tất cả các loại rau củ quả đều được trồng trong nhà kính trên tổng diện tích 10 ha. Cây trồng hoàn toàn không chịu tác động khắc nghiệt của khí hậu mà còn được hệ thống máy móc điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với từng thời kỳ sinh trường của cây. Rau, quả và hoa sau khi thu hoạch đều được sơ chế, đóng gói, chiếu xạ và bảo quản phù hợp trước khi đưa ra thị trường.
Nhờ bảo đảm quy trình, sản phẩm của HTX đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các siêu thị như: Aeon Mall, Lotte Mart, Giants, Coop Mart... Ngoài phục vụ trong nước, một phần sản phẩm của HTX còn phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là hoa lan.
Sản xuất thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu thị trường đã giúp HTX trở thành mô hình tiên phong trong phát triển kinh tế, hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Hiện, thu nhập của các hộ thành viên tính bình quân 2 lao động/hộ là 11 triệu đồng/tháng, thu nhập từ 1 ha đất canh tác của hộ thành viên 160 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho 80 lao động địa phương. Các lao động đều được làm việc trong môi trường an toàn, không nặng nhọc nên đều có thể gắn bó lâu dài cùng HTX.
Mục tiêu của TP Đồng Xoài là quyết tâm xóa hết hộ nghèo, tức đến năm 2020, Đồng Xoài sẽ không còn hộ nghèo. Chính vì vậy, Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các phường, xã thực hiện tốt Đề án 100 về giảm nghèo bền vững; thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi, phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ trực tiếp, hiệu quả cho hộ nghèo; rà soát, khảo sát kỹ các hộ nghèo còn lại để phân nhóm và có kế hoạch hỗ trợ cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng hộ, từng đối tượng.
Đối với các hộ mới thoát nghèo, hoặc nằm trong kế hoạch thoát nghèo phải có kế hoạch cân đối nguồn lực, duy trì sự hỗ trợ về giáo dục, y tế, vốn vay ưu đãi, giải quyết việc làm... để không ai bị bỏ lại phía sau và đảm bảo đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững của Thành phố.
Không chỉ HTX Nguyên Khang Garden, hiện Đồng Xoài còn có 26 trang trại sản xuất theo hướng hàng hóa, doanh thu mỗi trang trại đạt bình quân hơn 1,5 tỷ đồng/năm; 5 HTX sản xuất, chăn nuôi hoạt động hiệu quả. Những mô hình này không chỉ nâng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương tăng bình quân 7,4%/năm mà còn tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Từ đó giúp TP Đồng Xoài thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Trong thực hiện các chính sách giảm nghèo, Đồng Xoài nhất quán phương châm “cho cần câu chứ không cho con cá” để các hộ có điều kiện thoát nghèo bền vững và tránh tái nghèo. Để làm được điều này, ngoài chú trọng các yếu tố đào tạo, y tế, dạy nghề, tạo việc làm, địa phương còn huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo thông qua việc kêu gọi sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất, đầu tư liên doanh với HTX, nông dân để nâng cao hiệu quả.
Đồng Xoài cũng chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhằm hướng đến xây dựng đô thị xanh. Các mô hình công nghệ cao sẽ là nơi tạo việc làm cho người dân trong điều kiện nguồn đất sản xuất nông nghiệp đang bị thu hẹp./.
Phước Yến