Chủ Nhật, 17/11/2024
Bến Tre: Thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong giảm nghèo bền vững

 Đồng lúa xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) bị nhiễm mặn, mất mùa

Cùng với thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, đời sống người dân ở Bến Tre cũng bị ảnh hưởng rất lớn do nhiều ngày qua không đủ nước sinh hoạt do nguồn nước của các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh này đều bị nhiễm mặn vượt mức cho phép. Tình trạng nước cấp bị nhiễm mặn đã gây ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Việc sử dụng nước nhiễm mặn làm suy giảm chất lượng sản phẩm, hư hỏng, giảm tuổi thọ các máy móc, thiết bị của doanh nghiệp.

Trong khi đó, nếu sử dụng nước ngọt từ nơi khác vận chuyển đến thì chi phí tăng cao. Điển hình, đối với một số doanh nghiệp ngành dừa trong tỉnh Bến tre đã phải tạm ngưng sản xuất, một số ít sản phẩm sản xuất cầm chừng. Xâm nhập mặn cũng đã làm chậm tiến độ thi công một số công trình, do hạn chế nguồn nước ngọt phục vụ thi công.

Với mục tiêu cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4% tập trung thực hiện theo hướng tiếp cận đa chiều; tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo trong thời gian qua gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hạn mặn. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu năm 2020 sẽ thoát nghèo, vươn lên ổn định đời sống, phát triển kinh tế. Thế nhưng, ảnh hưởng của hạn mặn và thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 tác động đến hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo khiến họ khó "thoát nghèo" và đẩy nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo. Trước thực trạng này, các địa phương đang tìm giải pháp tháo gỡ để thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra.

Kinh tế gia đình dần ổn định, có mảnh vườn trồng chôm chôm, bưởi da xanh bước vào thời điểm cho thu hoạch, nên chị Nguyễn Thị Kim Châu, xã Tân Phú (huyện Châu Thành) mạnh dạn đăng ký thoát nghèo và được công nhận "hết nghèo" vào năm 2019. Niềm vui chưa được bao lâu thì hạn mặn xảy ra từ cuối năm 2019 đến nay đã khiến cho gia đình chị gần như kiệt quệ.

Vườn chôm chôm trồng xen bưởi da xanh - nguồn thu nhập chính của gia đình không có nước tưới đã héo úa lá, không cho trái hoặc cho trái non rồi rụng. Những cây bưởi cũng không đủ sức nuôi những trái bưởi đang lớn khiến chúng rơi rụng đầy gốc. Đi dưới vườn chôm chôm, chị Châu chỉ biết thở dài: Giờ chỉ biết buông bỏ, không còn cách nào cứu được nữa. Chôm chôm ra trái lác đác chín đỏ vậy nhưng không ai mua vì thịt không có nước, không tróc cùi, trái héo râu...

Mọi năm, thời điểm này, giá bán mỗi ký chôm chôm được 14.000 đồng. Cả 3 công (3.000m2) đất, mỗi mùa thu hoạch khoảng 2,5 tấn trái, đem về cho chị Châu khoảng 35 triệu đồng. Cộng với tiền bán bưởi lai rai từng đợt giúp chị có nguồn thu ngót nghét 50 triệu đồng mỗi năm.

Ngoài vườn trồng cây, chị Châu còn tham gia tổ nấu đám tiệc cưới, hỏi. Thế nhưng, bao nhiêu đám đặt nấu bị hoãn do dịch bệnh. Thất nghiệp thêm thất thu từ mảnh vườn nên mấy tháng nay không có thu nhập. "Tôi chỉ sợ sẽ tái nghèo mất", chị Châu ngậm ngùi.

Trong khi đó, chị Dương Thị Ngọc Yến, Ấp 6, xã An Hiệp (huyện Ba Tri) sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, sáng nào cũng đạp xe 5km đi xin phụ giúp việc nhưng đều bị từ chối vì lý do ảnh hưởng dịch bệnh nên các quán ít khách. Chị Yến phải ngậm ngùi quay về nhận cạo vỏ hột điều. "Nhà không có đất sản xuất, chỉ biết đi làm thuê. Nhưng giờ xin việc khó khăn quá, chẳng chỗ nào nhận. Sáng đi xin việc đến trưa nhưng không được, phải về cạo hột điều. Mỗi ký được trả công 5.000 đồng. Làm đến 22 giờ cũng chỉ được... 20.000 đồng. Mong thoát nghèo lắm nhưng biết khi nào mới hết nghèo?", chị Yến nghẹn ngào.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành Trần Văn Hoàng, trong Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững mà các địa phương đang triển khai cũng hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo để thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, hiện nay do hạn mặn và dịch Covid-19, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vì vậy, huyện lo ngại những sản phẩm hàng hóa của những hộ tham gia đề án làm ra mà đầu ra không có, giá cả không hợp lý thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập khiến các hộ nghèo, hộ cận nghèo khó thoát nghèo được.

Hạn mặn cũng được cho là nguyên nhân chính tác động đến đời sống, phát triển kinh tế của người dân xã An Hiệp - địa phương có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao (khoảng 16% tổng số hộ dân toàn xã) ở huyện Ba Tri. 90% người dân trên địa bàn xã làm nghề nông, chủ yếu là trồng lúa và chăn nuôi bò, dê. Phó chủ tịch UBND xã An Hiệp Bùi Thị Diễm Kiều cho biết: Ảnh hưởng của hạn mặn khiến cho công tác giảm nghèo của xã vào cuối năm 2020 gặp khó. Có những hộ dự kiến khả năng cuối năm 2020 thoát nghèo nhưng hạn mặn khiến đời sống gặp khó khăn, chăn nuôi, trồng trọt bị thiệt hại không đem lại thu nhập.

Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Tri Trần Văn Chận, ngoài đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, đơn vị cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để giải ngân nguồn vốn cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng mới thoát nghèo để có nguồn vốn có thể sản xuất, phát triển kinh tế.

Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai rà soát, hỗ trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói do tác động của dịch Covid-19 và hạn mặn năm 2020.

Tăng cường công tác vận động xã hội hóa để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Tổ chức khoanh nợ, xóa nợ đối với hộ vay vốn sản xuất gặp rủi ro, khó khăn trong đợt hạn mặn và dịch Covid-19; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn để tái sản xuất…

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo; theo dõi sát và hỗ trợ kịp thời những khó khăn của hộ nghèo, hộ cận nghèo trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tư vấn, định hướng cách làm ăn hiệu quả, phù hợp với điều kiện sống của hộ.

Toàn tỉnh hiện có 18.185 hộ nghèo và 16.367 hộ cận nghèo. Phần lớn người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sống bằng nghề làm thuê, bán vé số hoặc lao động phổ thông tại các địa phương… thu nhập thấp và không ổn định. Tình hình hạn mặn xâm nhập sâu, kéo dài và dịch Covid-19 đã tác động, để lại hậu quả rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là người nghèo và mục tiêu giảm nghèo chung trên địa bàn tỉnh.

Hiện tỉnh tập trung tổ chức thực hiện ở cơ sở; tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhân rộng các xã điểm thực hiện Đề án sinh kế; phân công rõ trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo và nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong việc hỗ trợ cấp xã, ấp và người dân thực hiện Đề án. Thành lập "Tổ quản lý Đề án sinh kế" ở cấp xã, để quản lý, tư vấn, hỗ trợ người nghèo xây dựng kế hoạch phát triển sinh kế phù hợp; tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên vận động người nghèo, người cận nghèo thực hiện Đề án, phân công cán bộ phụ trách tiếp cận, hướng dẫn từng hộ xây dựng kế hoạch thoát nghèo và kết nối nguồn lực giúp người nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thực hiện Đề án sinh kế ở cơ sở. Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ hy vọng  mục tiêu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4% vào cuối năm 2020 (tương đương giảm 0,59% với 2.338 hộ) sẽ được hoàn thành./.

Đoàn Sinh

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất