Qua 5 năm triển khai thực hiện, các chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản thông qua các chính sách như: hỗ trợ giáo dục – đào tạo; chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động trên địa bàn các huyện nghèo; chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn và khuyến nông lâm ngư; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo… Các chính sách giảm nghèo đã và đang tiếp tục phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững đã tạo nên sự chủ động cho các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở trong việc định hướng, hỗ trợ hộ nghèo nâng cao nhận thức phát triển kinh tế gia đình, tạo cho người nghèo thói quen tiết kiệm, điều tiết trong chi tiêu…Bên cạnh đó, các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất của người dân, góp phần hoàn chỉnh tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã bãi ngang ven biển; sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả, đúng mục đích.
|
|
Qua khảo sát, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ hơn 12% năm 2016, giảm xuống còn hơn 4,59% cuối năm 2019 và dự kiến còn 4% vào cuối năm 2020; không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%. Bình quân mỗi năm tỷ lệ giảm hộ nghèo hơn 1,6%, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Tỷ lệ giảm hộ nghèo của 30 xã bãi ngang hơn 2,8%, cao hơn tỷ lệ giảm bình quân của tỉnh; có 1 xã bãi ngang được công nhận xã nông thôn mới. Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền địa phương chủ động triển khai thực hiện, góp phần đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là tại các vùng đặc biệt khó khăn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021-2025, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh hướng đến mục tiêu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1-1,5%/năm, theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2021-2025. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững. Nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người; góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt.
Bên cạnh đó, tập trung hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất. Hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và tính chủ động, tích cực của người nghèo, người dân và cộng đồng cùng tham gia thực hiện công tác giảm nghèo. Thực hiện tốt công tác tiếp cận, theo dõi, hướng dẫn và trợ giúp kịp thời cho người nghèo phát triển sinh kế. Tăng cường vận động các nguồn lực giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần thoát nghèo bền vững.
Dịp này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng bằng khen cho 8 tập thể và 4 cá nhân; UBND tỉnh tặng bằng khen cho 10 tập thể, 15 cá nhân và 9 hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Ngọc Diệp