Cuối năm 2015, hộ nghèo tỉnh còn 2,98% (theo chuẩn cũ). Sau khi tiến hành tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, toàn tỉnh có 15.704 hộ nghèo, chiếm 4,03%. Sau gần 5 năm thực hiện công tác giảm nghèo, tỉnh giảm được 2,51% hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm được 0,63%, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu bình quân mỗi năm giảm từ 0,3% - 0,5%). Nhờ vậy đưa hộ nghèo toàn tỉnh từ 4,03% đầu năm 2016 xuống còn 1,52% cuối năm 2019.
|
Được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng
Chính sách xã hội,
anh Nguyễn Hoàng Sơn ấp
Thanh Phú, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành
mua bò về nuôi đê
thoát nghèo |
Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về GNBV giai đoạn 2016-2020 của tỉnh là tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2016, số hộ tái nghèo gần 1.000 hộ, đến cuối năm 2019 chỉ có 1 hộ tái nghèo, vì bị bệnh nan y. Ngoài ra, nhiều người nghèo không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước; đồng thời luôn có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, nhất là trong giai đoạn có hàng chục người nghèo tự nguyện viết đơn ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo.
Với những kết quả trên cho thấy, Chương trình mục tiêu Quốc gia về GNBV giai đoạn 2016-2020 đã thực sự đi vào thực tế, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.
Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn kinh phí Trung ương phân bổ và vốn huy động từ các nguồn lực khác, tỉnh hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về GNBV 224,792 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 83,944 tỉ đồng; vốn sự nghiệp 58,442 tỉ đồng; vốn địa phương 12,186 tỉ đồng; vốn huy động trong dân 17,961 tỉ đồng và vốn huy động tổ chức, doanh nghiệp khác 52,259 tỉ đồng. Điều này khẳng định, Chương trình mục tiêu Quốc gia về GNBV nhận được sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương bằng việc đưa nhiều chủ trương, chính sách đến với người nghèo, nhất là sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh thuận lợi, công tác giảm nghèo của tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn như một số hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, chưa có ý chí vươn lên thoát nghèo; công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa được quan tâm kịp thời, đúng lúc; một số tiêu chí trong bộ điều tra hộ nghèo, cận nghèo đa chiều không còn phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương; những trường hợp hộ nghèo, cận nghèo thuộc dạng neo đơn, bệnh tật rất khó thoát nghèo,...
Để chuẩn bị cho kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2125, trong thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục xây dựng kế hoạch rà soát hộ nghèo, cận nghèo định kỳ, bảo đảm chính xác, khách quan, không chạy theo thành tích; phân loại từng đối tượng hộ nghèo về thu nhập, nghèo thiếu hụt, nghèo bảo trợ xã hội; tổ chức khen thưởng những tấm gương tự nguyện viết đơn ra khỏi hộ nghèo và những tấm gương thoát nghèo tiêu biểu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khuyến khích người nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo; huy động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay chăm lo người nghèo. Công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, ngành sẽ đề xuất Trung ương đề ra mục tiêu giảm nghèo cụ thể, xem xét tách nhóm hộ nghèo bảo trợ xã hội ra khỏi chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm, trong đó xây dựng chính sách hỗ trợ riêng; đề nghị sớm ban hành chuẩn hộ nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2021-2025... ./.
Kim Ngọc