Thứ Hai, 20/1/2025
Động viên và tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế

Năm 2018, gia đình bà Đỗ Thị Vân, ở xóm Chùa, xã Bình Long, huyện Võ Nhai, nằm trong số 10 hộ nghèo của xóm được nhận hỗ trợ từ mô hình nhân rộng nuôi bò cái sinh sản. Với một con bê được hỗ trợ, sau thời gian chăm sóc, nếu sinh ra bê đực thì được bán, nếu là bê cái thì sẽ chuyển sang hỗ trợ cho hộ nghèo khác. Với sự hỗ trợ này, gia đình bà Vân cùng nhiều hộ nghèo khó đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Gia đình bà Vân cũng là một trong số nhiều hộ nghèo của tỉnh Thái Nguyên đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bà Vân chia sẻ: “Gia đình tôi xin cảm ơn, tôi đã vượt nghèo, vượt khó. Tôi cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ các hộ nghèo của xóm tôi”.


 Gia đình bà Đỗ Thị Vân ở xóm Chùa, xã Bình Long, huyện Võ Nhai được nhận hỗ trợ từ mô hình nhân rộng nuôi bò cái sinh sản

Ít ai biết để có được cơ ngơi khang trang của chị Đàm Thị Quy, trú tại xóm Non Tranh, xã Tân Thành, huyện Phú Bình đã phải mất gần 10 năm để gây dựng. Xuất phát điểm từ một hộ nghèo, chị được tiếp cận nguồn tín dụng chính sách từ chương trình “Hỗ trợ phụ nữ nghèo có địa chỉ” với số tiền 15 triệu đồng. Vào thời điểm năm 2011, số tiền đó đã trở thành cứu cánh để gia đình chị có động lực và niềm tin thoát nghèo. Chị Quy cho biết: “Lúc đầu tôi chỉ chăn nuôi 1000 con gà, dần dần mở thành công ty. Hiện tại, đã làm được con giống và xuất đi các tỉnh”.

Để giảm tỷ lệ hộ nghèo phải bắt đầu từ chính sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của người nghèo. Đó là mục tiêu hướng đến của việc xây dựng và thực hiện các chính sách giảm nghèo. Song song với đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nghèo dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà biết tự chủ vươn lên trong cuộc sống. Thực tiễn cho thấy, qua 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh Thái Nguyên; từ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và phù hợp đã tạo điều kiện để chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách về giảm nghèo nói riêng nhanh chóng thực hiện và đi vào cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 2%/năm; từ 13,4% vào năm 2015, đến hết năm 2019 giảm còn 4,63%.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, của Chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo; tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh; tiếp tục rà soát hỗ trợ phát triển sản xuất để giúp cho người nghèo và hộ nghèo tiếp tục phát triển sản xuất”.

Trong thời gian tới đây, Chính phủ sẽ ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững đối với người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo. Nhìn nhận rõ thực trạng, rút kinh nghiệm từ những kết quả đã đạt được để kịp thời có những giải pháp phù hợp, đó chính là giải pháp quan trọng để tỉnh Thái Nguyên thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo trong những năm tới đây./.

Thu Trà

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất