Thứ Bảy, 11/5/2024
Hậu Giang nỗ lực giúp người dân giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở thực trạng về tỷ lệ hộ nghèo, nguyên nhân nghèo của tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Đề án, Kế hoạch giai đoạn và hàng năm để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn, các ngành, các cấp bố trí, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo; Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tăng cường vận động các nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn.


 Lãnh đạo tỉnh và huyện Long Mỹ bàn giao nhà đại đoàn kết trên địa bàn
 xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ


Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo phân công các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành theo dõi, tổ chức kiểm tra, giám sát nắm tình hình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn phụ trách để phát hiện những hạn chế, sai sót nhằm hỗ trợ các địa phương khắc phục kịp thời. Tại cấp huyện, xã, thành viên Ban Chỉ đạo được phân công phụ trách địa bàn có sự theo dõi sát sao trong công tác giảm nghèo nên có nhiều xã nắm chắc được nhu cầu thực tế của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo mang lại hiệu quả

Hỗ trợ vốn giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất kinh doanh luôn được xem là nguồn lực chính trong công tác giảm nghèo. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đã có hàng ngàn hộ nghèo làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững, phương thức cho vay ủy thác qua các đoàn thể, tổ vay vốn đã tạo ra sự tương trợ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, đã triển khai cung cấp tín dụng ưu đãi cho 146.442 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tổng doanh số cho vay 2.315 tỷ đồng.

Để người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được chăm sóc tốt về sức khoẻ, đồng thời tránh việc cấp thẻ trùng, các ngành chức năng phối hợp hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát chống trùng, đến nay lĩnh vực bảo hiểm xã hội đã có chương trình phần mềm nên việc cấp thẻ trùng được hạn chế tối đa. Kết quả, có 1.554.605 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT, tổng kinh phí gần 840 tỷ đồng.

Toàn tỉnh đã trợ cấp tiền tết cho 253.323 lượt hộ nghèo; hỗ trợ dầu hỏa thấp sáng cho 7.577 hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ chính sách; cấp tiền điện cho 226.445 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; trợ cấp khó khăn đột xuất cho 42.963 hộ nghèo; hỗ trợ đầu thu số hóa truyền hình mặt đất cho 33.488 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng kinh phí trên 192 tỷ đồng. Ngoài ra, vào các dịp tết nguyên đán hàng năm, lãnh đạo tỉnh, các địa phương, tổ chức chương trình ăn tết với hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc; đồng thời tiếp nhận, vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trao tặng quà, đảm bảo cho hộ nghèo được đón xuân, vui tết, tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên và mạnh thường quân, toàn tỉnh đã vận động xây dựng mới 4.433 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, tổng kinh phí 134.589 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 4.626 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí 99.866 triệu đồng. Bên cạnh đó, Tỉnh đã hỗ trợ nước sinh hoạt cho 2.531 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, kinh phí trên 3 tỷ đồng,…

Kết quả thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020

Năm 2016, toàn tỉnh có 29.045 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,91% và 5.853 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3%; có 2.493 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 32,15% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2019, những tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 10.088 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,98% và 8.832 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,36%; có 1.245 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 14,58% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số. Như vậy, toàn tỉnh giảm được 18.957 hộ nghèo (từ 29.045 hộ xuống còn 10.088 hộ), bình quân mỗi năm giảm trên 4.700 hộ (đã trừ số hộ tái nghèo và phát sinh mới). So với đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm được 9,93% (từ 14,91% xuống còn 4,98%), biên độ giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trung bình 2,48%, vượt mục tiêu đề ra mỗi năm giảm trên 2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm được 17,57% (từ 32,15% xuống còn 14,58%) biên độ giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm trung bình 4,39%, vượt mục tiêu đề ra mỗi năm giảm trên 3%.

Toàn tỉnh có 01 xã, 06 ấp thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; có 16/51 xã chưa đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo. Trong đó: có 01 xã tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% và 15 xã tỷ lệ hộ nghèo trên 5%.

Nhìn chung, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về thực hiện công tác giảm nghèo được ban hành đầy đủ, kịp thời, bao phủ, nhiều diện hộ thụ hưởng, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống trong vùng khó khăn, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; các năm qua, nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh; cơ bản bao phủ được số hộ nghèo, người nghèo và địa bàn xã còn khó khăn, người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững; phát huy tốt công tác đối thoại chính sách giảm nghèo, tạo sự đồng thuận, thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi kế hoạch giảm nghèo chưa được quan tâm đúng mức, chưa có nhiều biện pháp mới, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, còn lúng túng trong trong việc xây dựng, triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo mang lại hiệu quả. Việc tham gia kiểm tra, giám sát, quản lý công tác này của một vài địa phương chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, nguồn lực ngân sách để đầu tư cho chương trình giảm nghèo của tỉnh và huyện còn hạn hẹp. Các chính sách giảm nghèo hiện hành cơ bản phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người nghèo, nhất là người nghèo dân tộc thiểu số, tuy nhiên vẫn còn nặng tính bao cấp, hỗ trợ trực tiếp chưa hợp lý như hỗ trợ về tiền điện, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 100% người dân sống trong vùng đặc biệt khó khăn.

Để phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn qua, Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin, việc làm, bảo hiểm xã hội,… và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang giai đoạn tới.

Đăng Khoa

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất