Chủ Nhật, 17/11/2024
Nam Định: Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Trong những năm gần đây tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định, phát triển. Các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể xã hội và doanh nghiệp đã tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, công tác an sinh xã hội đối với người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm: Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 33.864 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,7%; 36.474 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,13%. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 9.443 hộ nghèo (giảm 24.421 hộ), chiếm tỷ lệ 1,53% (giảm 4,17%), hộ cận nghèo 37.609 hộ (tăng 1.135 hộ), chiếm tỷ lệ 6,09% (giảm 0,04%).

Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đã được triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2016-2020, đã có 31.795 hộ thoát nghèo và 72.470 hộ thoát cận nghèo. Tỷ lệ tái nghèo thấp, trong giai đoạn chỉ có 3.639 hộ tái nghèo và 6.459 hộ tái cận nghèo.


 Nuôi cá bống bớp tại Nghĩa Hưng, Nam Định

Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương có phần đóng góp không nhỏ của các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện.

Giai đoạn 2016 đến nay, NHCSXH tỉnh Nam Định luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức CT-XH trong tỉnh nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các chương trình mới, các chính sách mới liên quan đến tín dụng chính sách xã hội.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 04/02/2015 về việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, NHCSXH Việt Nam liên quan đến công tác tín dụng chính sách xã hội, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tín dụng chính sách xã hội; đồng thời phát động phong trào, cuộc vận động vì người nghèo để vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân gửi tiết kiệm tại NHCSXH, góp phần bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, đặc biệt quan tâm cân đối ngân sách, bố trí kế hoạch vốn hàng năm ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối tượng chính sách trên địa bàn, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, bổ sung và xác nhận đúng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng đúng mục tiêu, đúng đối tượng; nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt tiếp tục nâng cao và phát huy tốt vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đạo diện HĐQT NHCSXH cấp huyện trong việc quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn; quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, tạo điều kiện làm việc cho NHCSXH, nhất là Điểm giao dịch xã của NHCSXH tại xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, hiệu quả để người dân biết và hiểu về các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nội dung ủy thác đã ký kết; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tỉnh, huyện và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép với chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh thường xuyên tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; chủ động phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương bổ sung nguồn vốn và giải ngân kịp thời cho các đối tượng theo quy định; duy trì và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã; chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn, hạn chế nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.

Trong 05 năm qua, 66.280 hộ gia đình đã được vay vốn với số tiền 1.004,6 tỷ đồng, xây dựng mới và cải tạo 66.276 công trình nước sạch, 66.257 công trình vệ sinh; doanh số thu nợ 563,8 tỷ đồng. 

Nguồn vốn tín dụng đã góp phần tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. 05 năm qua, ngoài nguồn vốn của Trung ương, NHCSXH đã nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương các cấp để cho vay tạo việc làm, giải ngân cho 4.860 khách hàng, số tiền 190,1 tỷ đồng, thu hút, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 5.683 lao động.

Trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Định, mỗi địa phương luôn chủ động sáng tạo để khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù để về đích. Cùng với việc được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, từ đó các mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu tại các địa phương được hình thành như: Mô hình nuôi cá bống bớp với diện tích 370 ha, mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cây dược liệu của Công ty Hoa Thiên Phú với diện tích 27,5 ha, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản của Công ty TNHH Cường Tân với quy mô 350 ha. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 151 cánh đồng lớn ổn định để sản xuất hàng hóa tập trung với tổng diện tích 11.000 ha, trong đó 68 cánh đồng liên kết chuỗi giá trị với diện tích trên 800 ha; 313 trang trại chăn nuôi… Nuôi trồng thủy sản chuyển dịch sang nuôi thâm canh áp dụng quy trình VietGap, hình thành các vùng nuôi tập trung, với tổng diện tích nuôi đạt 16.150 ha…Đặc biệt góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị (chương trình OCOP).

Với những kết quả đạt được trên, tín dụng chính sách đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, tạo ra bộ mặt mới trong đời sống kinh tế về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và Nam Định được Trung ương đánh giá là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.

Thái Minh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất