Chủ Nhật, 17/11/2024
Thực hiện giảm nghèo bền vững ở An Giang

Thống kê cho thấy, hộ nghèo tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa và các xã có đông đồng bào DTTS (chủ yếu là người Khmer), tập trung đông nhất ở các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên và An Phú. Huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Tri Tôn 9,31% (với 3.143 hộ); kế đến là huyện An Phú 5,83% (2.646 hộ nghèo); xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là xã Núi Tô (Tri Tôn) với tỷ lệ 24,44% (465 hộ).

Toàn tỉnh An Giang còn 7 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên, trong đó huyện Tri Tôn có 5 xã (Núi Tô, An Tức, Ô Lâm, Vĩnh Phước, Lê Trì), huyện Tịnh Biên có 2 xã (Văn Giáo, An Cư). Về hộ cận nghèo: đầu năm 2019 có 31.690 hộ, chiếm tỷ lệ 5,82%, đến cuối năm giảm còn 29.414 hộ, chiếm tỷ lệ 5,45% (giảm 0,37%).

Huyện, thị xã, thành phố không còn hộ nghèo là TP. Châu Đốc. Toàn tỉnh còn có 15 xã, phường không còn hộ nghèo là các phường: Mỹ Long, Mỹ Bình, Mỹ Xuyên, Đông Xuyên, Mỹ Quý, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên); Châu Phú A, Châu Phú B, Vĩnh Mỹ, Núi Sam, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Châu (TP. Châu Đốc).


 Mô hình nuôi lươn giống sinh sản nhân tạo đem lại lợi nhuân cao đã và đang được nhân rộng ỡ An Giang 


Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang: với việc đầu tư có trọng điểm cho những hộ có khả năng thoát nghèo, qua khảo sát từ đầu năm đã giúp các hộ nghèo đủ điều kiện vươn lên để thoát nghèo bền vững hơn. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, địa phương và huy động đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Các cấp ủy Đảng đã tăng cường lãnh đạo, giám sát nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, đồng thời củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên môn và phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các cấp, ngành. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, đặc biệt là đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Qua đó, từng bước khắc phục được tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm; củng cố đội ngũ cán bộ, công chức hành chính có phẩm chất đạo đức và năng lực để thực hiện công tác giảm nghèo, song song với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh.

Giai đoạn 2016-2019, tỉnh triển khai 25 mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135, hỗ trợ 587 hộ tham gia, trong đó có 496 hộ nghèo (131 hộ nghèo người DTTS), 90 hộ cận nghèo, 1 hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí thực hiện trên 4,8 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương). Qua thực hiện các mô hình đã tạo việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Mô hình đã được nhân rộng để những hộ nghèo, cận nghèo học hỏi áp dụng mô hình và sản xuất có hiệu quả.

Trong năm 2020, tỉnh tiếp tục nhân rộng 5 mô hình giảm nghèo với kinh phí hỗ trợ là 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135. Theo đó, hỗ trợ nhân rộng 40 mô hình giảm nghèo tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh cho 993 hộ tham gia, trong đó 638 hộ nghèo (29 hộ nghèo người DTTS), 375 hộ cận nghèo, 30 hộ mới thoát nghèo tham gia, với kinh phí 6,7 tỷ đồng. Trong năm 2020 tỉnh cũng thực hiện nhân rộng 17 mô hình giảm nghèo với kinh phí hỗ trợ là hơn 2,8 tỷ đồng.

Qua đó cho thấy, đa số hộ nghèo tham gia các dự án giảm nghèo đã nhận thức được trách nhiệm khi nhà nước hỗ trợ vốn, kỹ thuật, họ quyết tâm làm việc với cả ý chí, luôn học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để sản xuất có hiệu quả, tạo thu nhập cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Các mô hình được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tại địa phương, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của các hộ nghèo, là động lực nhằm thúc đẩy các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều mô hình hay, hiệu quả đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, giúp đời sống của người nghèo ngày càng được nâng lên, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Một cán bộ giảm nghèo huyện An Phú cho biết, khi chưa thực hiện mô hình, đa số hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, chưa có việc làm. Sau khi thực hiện mô hình đã tạo việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đây là yếu tố cơ bản giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ kết quả đạt được của những hộ tham gia thực hiện mô hình, những hộ nghèo và cận nghèo đã học hỏi áp dụng mô hình và sản xuất có hiệu quả. Điều quan trọng là các hộ nghèo nhận thức rằng, cố gắng sản xuất để tạo được thu nhập, học cách tiết kiệm các chi phí có tích lũy để nâng cao đời sống và ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc thực hiện chính sách giảm nghèo của tỉnh. Đây là thách thức đặt ra đòi hỏi nỗ lực lớn hơn rất nhiều từ phía những cán bộ làm công tác giảm nghèo cũng như quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân trong tỉnh. Nhiều biện pháp phù hợp trong hỗ trợ phát triển kinh tế, cho vay vốn sản xuất, dạy nghề... đã được đưa ra và triển khai có kết quả tích cực, qua đó làm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh COVID-19 mang lại.

Phạm Khuê

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất