Thứ Sáu, 10/5/2024
Phú Yên: Những bài học kinh nghiệm từ công tác giảm nghèo bền vững

 Một buổi giao dịch và giao ban phổ biến chính sách cho vay
tại điểm giao dịch thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên

Mặc dù điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua không thật sự thuận lợi, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự nổ lực phấn đấu của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương, công tác giảm nghèo của tỉnh đã được tổ chức triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả ghi nhận.

Hầu hết các hộ nghèo đã được tiếp cận đầy đủ các chính sách giảm nghèo như vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, nhà ở, đào tạo nghề, khuyến nông khuyến lâm,… Trong 05 năm (năm 2011 - 2015), Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã triển khai cho vay 94.683 hộ nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, với doanh số cho vay hơn 1.658 tỷ đồng; hỗ trợ miễn giảm học phí hơn 123.000 lượt học sinh với số tiền hơn 20 tỷ đồng và hỗ trợ chi phí học tập hơn 100.000 lượt học sinh với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 7.138 nhà  cho hộ nghèo khu vực nông thôn với tổng kinh phí thực hiện gần 169 tỷ đồng

Trong 04 năm (2016 - 2019), đã thực hiện xóa nhà ở tạm cho 2.621 nhà ở cho hộ nghèo và hộ chính sách với số tiền hơn 99 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn theo Quyết định số 33/QĐ-TTg và Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên 20 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2020, xóa 450 nhà ở tạm cho hộ nghèo.

Kết quả qua 05 năm thực hiện (giai đoạn 2011 - 2015), đã có hơn 37.600 hộ thoát nghèo. Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể, hộ tái nghèo và nghèo phát sinh mới trong 05 năm chỉ chiếm 7,1% so với tổng số hộ nghèo, giảm 5,87% so với giai đoạn 2006 - 2010 (tỷ lệ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh của giai đoạn 2006-2010 là 12,97). Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 30.803 hộ, tỷ lệ hộ nghèo 12,62%. Đến cuối năm 2019 còn 10.271 hộ, chiếm tỷ lệ 3,93% và dự ước cuối năm 2020 còn 2,54%, đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra.

Từ công tác giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm làm chuyển biến về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, ý thức được trách nhiệm của mình, từ đó tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Hai là, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững.

Ba là, phải thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, dự án, nguồn vốn trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bằng một cơ chế chỉ đạo tập trung thống nhất từ huyện đến cơ sở.

Bốn làxác định rõ nguyên nhân nghèo của từng địa phương, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo với những giải pháp phù hợp, đúng hướng, giúp người nghèo, xã nghèo, xã khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Năm là, đẩy mạnh công tác xây dựng nhân rộng mô hình giảm nghèo với phương châm mỗi địa phương có một mô hình hiệu quả; hướng dẫn cách làm ăn; phát huy hệ thống dạy nghề, tập trung ngành nghề gắn với thực tiễn sản xuất, nhu cầu học nghề của từng đối tượng và nhu cầu việc làm; tổ chức sơ, tổng kết kịp thời./.

Hiền Lương

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất