Nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững được huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm nghèo đã giúp huyện đã đạt được những kết quả tích cực, đưa cuộc sống người dân huyện ngày càng no ấm, diện mạo nông thôn mới cũng được thay da đổi thịt.
Huyện Lục Ngạn, tinh Bắc Giang có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, do đó công tác xóa đói giảm nghèo luôn được UBND huyện ưu tiên đặt lên hàng đầu. Xác định “chìa khóa” giảm nghèo kinh tế, và để thực một cách bền vững, hiệu quả công tác giảm nghèo, trong những năm qua UBND huyện tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung các nguồn lực cho phát triển kinh tế đóng vai trò quyết định. Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, ngay từ đầu năm, các địa phương đã tiến hành rà soát, nắm chắc thực trạng hộ nghèo, cận nghèo, xác định nguyên nhân chính dẫn đến nghèo của từng hộ để phân công các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp giúp đỡ. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo; các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, gắn với xây dựng nông thôn mới; Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động…
|
Mô hình trồng bưởi ngọt của hộ gia đình xã vùng cao Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang)
|
Với thế mạnh là nông nghiệp, và cụ thể là trồng các loại cây ăn quả, huyện Lục Ngạn xác định rõ mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, địa phương đã có nhiều chương trình hỗ trợ người dân trong lĩnh vực này. Hiện nay huyện đã hình thành được tập đoàn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, với diện tích khoảng 27 nghìn ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, hàng năm thu hoạch cho giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Qua triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, cùng với sự phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số được nâng lên. Với phương châm muốn giảm nghèo cho đồng bào phải tập trung giải quyết những vấn đề đang gây trở ngại như thiếu vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất, thiếu việc làm. UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ trên địa bàn và mạnh dạn đứng ra cho bà con được vay vốn phát triển sản xuất theo hình thức tín chấp. Bên cạnh đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư cho nhiều nhà máy, công ty mở rộng kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số.
Huyện Lục Ngạn được đánh giá là địa phương có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao nhất tỉnh Bắc Giang, thông qua thực hiện tích cực những quyết sách phù hợp, bình quân mỗi năm, nông dân toàn huyện Lục Ngạn được vay hàng chục tỷ đồng đầu tư vào sản xuất; hơn 20 nghìn lượt người được tập kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và trên 3 nghìn lao động, chủ yếu là nông dân tìm được việc làm mới có thu nhập ổn định, bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Các khóa đào tạo, dạy nghề tại các xã khó khăn, vùng sâu vùng xa thường xuyên được tổ chức nhằm khuyến khích giúp người dân tích cực, chủ động vươn lên trong cuộc sống. Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 3 - 4%, năm 2020, số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 6,81%. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng dần được cải thiện, đến nay, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% phòng học vùng dân tộc được kiên cố, trên 92% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Với phương châm đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, nhỏ lẻ, ưu tiên hỗ trợ cho vùng khó khăn hơn, đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm, đơn vị tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn phù hợp tình hình thực tế mỗi địa phương, nắm bắt khó khăn chung của các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa là nơi có điều kiện sản xuất lạc hậu, người dân thiếu vốn để nguồn kinh phí được dùng xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, hỗ trợ phát triển sản xuất và tăng cường cán bộ về xã để chuyển giao kỹ thuật canh tác mới cho bà con. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân có ý thức, động lực vươn lên thoát nghèo, bảo đảm giảm nghèo thật sự bền vững. Từ năm 2016 đến nay huyện Lục Ngạn đã đầu tư trên 118 tỷ đồng từ các chương trình hỗ trợ để thực hiện hàng trăm công trình tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Nhìn chung nguồn vốn bố trí cho các dự án của chương trình được đánh giá phù hợp, phát huy hiệu quả trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo không để xảy ra tình trạng tái nghèo tại một số địa bàn. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện sẽ tiếp tục tập trung cao cho công tác tuyên truyền gắn công tác hỗ trợ vốn tín dụng với việc đào tạo, tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, lâm, ngư, dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định thu nhập và thực hiện xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện ngày càng phát triển./.
Việt Anh