Thứ Năm, 19/12/2024
Nặm Ét đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo

Nặm Ét là xã thuần nông, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 45%. Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xã đã xây dựng kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với thế mạnh ở địa phương. Trong đó, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; nhân rộng mô hình nuôi cá lồng tại các bản tái định cư thủy điện Sơn La. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân về chăm sóc, ghép giống cây ăn quả, phòng trừ bệnh đàn vật nuôi. Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, như 135, 30a, chính sách ưu đãi tín dụng. Hiện các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 500 hộ nghèo, cận nghèo vay 30 tỷ đồng để phát triển kinh tế.


 Mô hình nuôi cá lồng của người dân bản Nà Hừa, xã Nặm Ét (Quỳnh Nhai)

Được biết,  ngoài tập trung thâm canh hơn 100ha lúa ruộng, sản lượng trên 500 tấn/năm; hơn 1.200 ha ngô, sắn, sản lượng trên 12.000 tấn/năm, nhân dân trong xã đã đầu tư nuôi gần 380 lồng cá, tập trung chủ yếu tại các bản: Giáng, Nà Hừa, Dọ B, Huổi Pao, Bó Ún, Hào... tổng sản lượng cá thương phẩm đạt hơn 400 tấn/năm. Trong đó, HTX Thủy sản Huổi Pao và HTX Thủy sản Liệp Muội, tạo việc làm cho trên 40 lao động địa phương. Từ năm 2018 đến nay, Chương trình 30a đã hỗ trợ gần 180 bò, dê giống cho các hộ nghèo, cận nghèo trong xã. Hiện toàn xã duy trì chăm sóc gần 3.000 con trâu, bò; gần 2.400 con dê; hơn 500 con lợn và trên 35.000 con gia cầm. Đặc biệt, những năm gần đây, xã đã tập trung trồng trên 80 ha các loại cây ăn quả trên đất dốc, như: Cam, bưởi, nhãn... Hiện đang phát triển tốt. Đời sống của người dân trong xã bước đầu được cải thiện, nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Quàng Văn Quân, bản Hào. Năm 2018, anh Quân đầu tư hơn 300 triệu đồng từ số tiền tiết kiệm của gia đình và vay mượn để mua cây giống, phân bón, trồng 2,4 ha cây cam Vinh và cam V2 trên diện tích đất trồng sắn năng suất thấp.  Anh Quân chia sẻ: Để có kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc cam, tôi đã đi tham quan một số mô hình trồng cam trong và ngoài tỉnh; tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả do xã, huyện tổ chức... áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Thời điểm này, vườn cam đã bắt đầu cho thu hoạch, hiện gia đình tôi đã thu được 3 tấn quả, bán với giá 25 nghìn đồng/kg, thu hơn 70 triệu đồng, dự kiến hết vụ năm nay, gia đình sẽ thu được 6 tấn quả. Ngoài trồng cây ăn quả, gia đình tôi còn nuôi 3 con bò và 2 lồng cá, mỗi năm thu hơn 30 triệu đồng từ chăn nuôi.

Trao đổi về kế hoạch phát triển kinh tế của xã trong thời gian tới, ông Quàng Văn Oai, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích cây ăn quả; duy trì phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng. Đồng thời, liên kết các hộ dân tham gia thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp, xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP... Phấn đấu nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Ánh Minh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất