Thứ Năm, 19/12/2024
Thanh Hóa: “Dân vận khéo” để giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo bền vững

Tại huyện Như Xuân thấy được sự “thay da, đổi thịt” của từng thôn, bản, cũng như cuộc sống mới trong mỗi gia đình đồng bào các dân tộc nơi đây. Không chỉ ở các xã vùng thấp, mà ngay cả ở vùng “6 Thanh” không khó để bắt gặp hình ảnh những công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang như: trường học, trạm y tế, công sở xã, nhà văn hóa thôn... Và trên các vùng đồi là màu xanh trải tít tắp những mô hình kinh tế nông, lâm.



Cây cam là một trong những cây thoát nghèo tại huyện Như Xuân


Bằng những hướng đi thích hợp, những năm gần đây, các cấp ủy đảng của huyện Như Xuân đã phát huy vai trò của công tác dân vận trong việc tuyên truyền, khích lệ Nhân dân “đánh thức” những vùng đất hoang hóa, giàu tiềm năng bị “ngủ quên” bấy lâu nay thành đồi cây ăn quả, rừng lâm nghiệp cho thu nhập cao, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Hơn nửa năm về trước, khi chưa sáp nhập vào thị trấn Yên Cát, xã Yên Lễ là một trong hai địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bởi vậy, cũng dễ hiểu vì sao ở Yên Lễ xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, giúp người dân xua đi đói nghèo.

Nói về câu chuyện giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương, anh Đỗ Văn Chung, Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Cát, phấn khởi cho biết: “Thị trấn Yên Cát có khoảng 55,7% dân số là đồng bào dân tộc Thổ. Phần lớn đồng bào dân tộc Thổ sống trên địa bàn xã Yên Lễ cũ. Đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn khoảng 17,7%. Riêng ở xã Yên Lễ cũ, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 25,7%. Để giải bài toán giảm nghèo ở địa phương, đảng ủy thị trấn đã chỉ đạo khối dân vận tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi các mô hình sản xuất, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về đất ở địa phương. Bên cạnh đó, từ năm 2016, đảng ủy thị trấn đã tăng cường cán bộ về cơ sở, bằng việc phân công các đồng chí trong cấp ủy tham gia sinh hoạt với chi bộ nông thôn. Đồng thời, hướng dẫn các cấp ủy đảng cơ sở triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống, cùng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt, trên cơ sở nhận diện nguyên nhân dẫn đến cái nghèo của từng hộ dân như: thiếu đất sản xuất, thiếu vốn hay thiếu lao động... các đồng chí được phân công nhiệm vụ bàn bạc với cấp ủy để có phương thức tác động phù hợp, theo phương châm “cần gì giúp đấy”.

Gia đình anh Lê Văn Thảo, người dân tộc Thổ ở khu phố Yên Thắng từng nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Thời gian chưa tìm được hướng thoát nghèo, anh Thảo đi làm đủ nghề để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Vất vả quanh năm nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng với gia đình anh. Khoảng 3 năm về trước, được sự giúp đỡ, tư vấn của ông Lê Văn Huyện, bí thư chi bộ, trưởng khu phố Yên Thắng, anh Thảo đã tìm được con đường thoát nghèo cho gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, anh Thảo vui vẻ nói: “Được xã tạo điều kiện, gia đình tôi được vay 150 triệu đồng từ ngân hàng để phát triển sản xuất. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình của bác bí thư chi bộ, trưởng thôn, vợ chồng tôi đã cải tạo khu đồi sau nhà để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia cầm. Năm ngoái gia đình tôi đã thoát được nghèo. Mừng lắm!”. Hiện khu gia trại nhà anh Thảo đang nuôi gần 1.300 con gia cầm. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh có thu nhập khoảng 10 triệu đồng, đủ tiền trang trải cho cuộc sống và nuôi các con ăn học. Không còn nghèo như trước, gia đình anh đã xây dựng ngôi nhà gỗ mới khang trang, sắm xe mô tô để đi lại...

Không chỉ riêng anh Thảo mà điều đáng mừng là từ chỗ được tuyên truyền, vận động, đồng bào dân tộc thiểu số ở thị trấn Yên Cát đã thay đổi tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, biết phát huy tinh thần vượt khó, ý chí tự vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn Yên Cát giảm xuống còn 1,29%, cơ bản không còn hộ tái nghèo. Đáng chú ý, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá, đời sống không ngừng được cải thiện.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Như Xuân đã xây dựng đề án, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020. Ngoài ra, huyện cũng chủ động ban hành một số chính sách đặc thù thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như: Nghị quyết số 07 về phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện đến năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Nghị quyết số 05 về cơ chế khuyến khích phát triển giao thông phục vụ xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 127 về việc phê chuẩn cơ chế và chính sách trồng rừng gỗ lớn đến năm 2020 và 2020-2025; Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc tiếp tục đẩy mạnh cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016-2020 để phát huy thế mạnh của địa phương.

Cùng với bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện còn chú trọng công tác “Dân vận khéo” trong giảm nghèo sao cho sát với điều kiện của từng địa phương, đơn vị mình. Với những cách làm riêng, sáng tạo, đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,8%, giảm 29,56% so với năm 2015, bình quân hàng năm giảm 7,39%; dự kiến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,77%. Từ những kết quả trên, tháng 3-2018, huyện Như Xuân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ra khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ giai đoạn 2018 - 2020.

Do nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện giao thông đi lại khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, tập quán canh tác, sản xuất lạc hậu nên trước năm 2012, đời sống của người dân xã Yên Lạc (Như Thanh) còn nghèo khó. Trăn trở thì nhiều mà hướng đi chỉ có một, đó là làm thế nào để đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Thổ trong xã có “cái ăn, cái mặc”, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Hướng giải quyết cho những trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã là nâng cao hiệu quả sản xuất bằng các mô hình sử dụng phân viên dúi sâu cho cây lúa, chăn nuôi an toàn sinh học, trồng cây dược liệu, cây lâm nghiệp, mà hội nông dân xã “lĩnh ấn tiên phong”. Thông qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, hội nông dân xã đã chủ động triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Từ những mô hình ban đầu đến nay trong xã đã có 17 gia trại nông - lâm kết hợp, với thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Song song với phát triển gia trại, hội nông dân xã còn giữ vai trò chủ công trong “cầm tay chỉ việc” giúp người dân trong xã biết đến việc gieo cấy cùng một giống lúa trên cùng một cánh đồng. Đồng thời, cùng trồng một loại cây trên diện tích lớn để hình thành vùng sản xuất hàng hóa, như: ớt xuất khẩu, khoai tây...

Đáng kể hơn, Hội Nông dân xã Yên Lạc còn đứng ra thành lập câu lạc bộ nông dân giúp nhau giảm nghèo, với 42 thành viên, trong đó, có 23 hộ nghèo. Sau 5 năm đi vào hoạt động, câu lạc bộ đã vận động các hộ tự nguyện quyên góp được hơn 300 triệu đồng mỗi năm để cho các hộ khó khăn vay. Đến nay cơ bản các thành viên trong câu lạc bộ đã có điều kiện phát triển sản xuất, kinh tế gia đình được nâng cao. Câu lạc bộ chỉ còn 2 thành viên thuộc diện hộ cận nghèo. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã tính hết năm 2019 đạt 33,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,7%. Nổi bật là từ một xã “trắng” về các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2012, thì nay Yên Lạc đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Đây thực sự là thành công từ công tác dân vận của Hội Nông dân xã Yên Lạc đáng để các địa phương khác học tập, làm theo.

Ở huyện miền núi Thạch Thành, phong trào “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã trở thành điểm nhấn thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước từ huyện đến cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bằng những cách làm sáng tạo và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, huyện Thạch Thành đã phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc triển khai, xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở. Trong đó phải kể đến các mô hình của hội cựu chiến binh, như: “3 +1”, “1.000 đồng với địa chỉ đỏ”, “Cựu chiến binh gương mẫu, cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”... đã thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Hay như đoàn thanh niên huyện đã phát triển, nhân rộng 100 mô hình, phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế; phối hợp mở các lớp dạy nghề, hướng nghiệp cho khoảng 5.000 đoàn viên, thanh niên. Mô hình “Dân vận khéo” của các tổ chức đoàn thể được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và Nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Nét nổi bật trong phong trào “Dân vận khéo” ở huyện Thạch Thành chính là các cấp ủy, chính quyền và hệ thống dân vận của huyện đã tích cực vận động Nhân dân đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng đất đai, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong huyện đã vận động Nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), với mục tiêu mỗi hộ dân một thửa, một xứ đồng. Kết quả, toàn huyện đã có 23.400 hộ dân tham gia DĐĐT, với diện tích 8.600 ha đất nông nghiệp. Trước đây bình quân mỗi hộ dân có khoảng 10 thửa, sau DĐĐT mỗi hộ dân có bình quân 1,2 thửa. Quỹ đất được tạo ra, các trang trại, gia trại trong huyện cũng được hình thành và phát triển theo hướng quy mô tập trung.

Đến nay, toàn huyện xây dựng được 1.297 mô hình trang trại, gia trại. Đặc biệt, từ việc tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, Nhân dân trong huyện đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình cánh đồng lớn sản xuất mía nguyên liệu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ với diện tích hơn 300 ha trên địa bàn 7 xã, gồm: Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Vinh, Thành Trực, Thạch Sơn, Thạch Bình, Thành Tân; tổ chức sản xuất 15 cánh đồng mẫu lớn gieo cấy tập trung tại 15 xã, với diện tích 1.223 ha. Nhờ thực hiện tốt công tác phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với giảm nghèo bền vững nên đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,8 triệu đồng/năm.

Có thể khẳng định dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền ở khu vực miền núi đã, đang triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trong đó, hệ thống dân vận, MTTQ và các đoàn thể tích cực trong việc đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Các nội dung, phần việc “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội được chú trọng lồng ghép với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Qua đó, nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả được phổ biến, nhân rộng ở các địa phương miền núi. Những kết quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% số xã khu vực miền núi có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, giao thông thôn, bản được cứng hóa, hệ thống trường học bậc mầm non, THCS, trạm y tế được xây dựng kiên cố; hơn 85% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh... Tính đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi giảm xuống còn 12,13%. Đây chính là những kết quả góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, đồng thời, nhân lên niềm tin của đồng bào dân tộc miền núi đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.

Hà Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất