Xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo (MTQGGN) bền vững nói chung và Chương trình 135 nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) và ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thời gian qua, nhờ nguồn lực đầu tư của chương trình cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Quảng Bình đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai thực hiện, hệ thống có sở hạ tầng ở các xã (ĐBKK) được hoàn thiện và đồng bộ. Kinh tế - xã hội các xã ĐBKK ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt, qua đó góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh Quảng Bình.
Thời gian qua, việc quán triệt, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến Chương trình 135 được tổ chức thường xuyên, liên tục với nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: Tập huấn, lồng ghép vào hoạt động của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở; thông tin tuyên truyền thông qua báo chí, truyền hình, bản tin phát thanh ở cấp xã, thôn bản; qua hệ thống áp phích ở trụ sở UBND xã, gắn biển tên công trình... Cùng với đó, các hoạt động phổ biến, chính sách dân tộc khác cũng đã được lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình 135 để nâng cao nhận thức cho bà con. Qua công tác thông tin, tuyên truyền, người dân nhận thức được mục tiêu, quy mô nguồn vốn và vai trò của mình trong việc thực hiện, tác động mạnh mẽ, khơi dậy được ý thức chủ động thoát nghèo, vươn lên làm giàu của đồng bào vùng DTTS, vùng ĐBKK, nhất là người dân thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhận thức được hậu quả của sự đói nghèo để chủ động vươn lên thoát nghèo. Từ đó huy động sự đóng góp của người dân cũng như phát huy vai trò giám sát của người dân trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.
|
Bà con dân tộc Chứt ở biên giới huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) làm lúa nước thoát nghèo
|
Hàng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tỉnh đã tiến hành công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu trên địa bàn tỉnh. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện những thiếu sót trong việc tổ chức thực hiện Chương trình ở các địa phương, từ đó kịp thời uốn nắn sai sót, đồng thời đề xuất với các cơ quan chức năng điều chỉnh bổ sung cơ chế thực hiện Chương trình đảm bảo phát huy hiệu quả.
Tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các địa phương lồng ghép nguồn vốn được ngân sách Trung ương phân bổ giai đoạn từ năm 2016 - 2020 là hơn 195 tỷ đồng cùng với nguồn lực của các chương trình chính sách khác như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng một số chính sách dân tộc khác và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, đóng góp của người dân trên địa bàn các xã ĐBKK để tăng nguồn lực thực hiện Chương trình, do đó, các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình cơ bản đạt được.
Theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ được quy định, UBND tỉnh Quảng Bình hàng năm phân bổ nguồn vốn thuộc Chương trình 135 cho các địa phương. Việc thực hiện phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức đã tạo được sự công bằng, khách quan đối với đối tượng thụ hưởng Chương trình. Giai đoạn 2016 - 2019, thực hiện hỗ trợ cho 40 xã, 27 thôn ĐBKK; năm 2020 thực hiện hỗ trợ cho 41 xã, 17 thôn ĐBKK (theo Quyết định 103/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Bình có 02 xã (Cao Quảng và Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa) được chuyển từ xã khu vực II sang xã khu vực III), 02 xã Nam Hóa, Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa) được sáp nhập thành xã Thạch Hóa (theo Nghị quyết số 862/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Bình). Theo đó, trong giai đoạn này đã đầu tư xây dựng 316 công trình, trong đó giao thông 206 công trình, thủy lợi 19 công trình; nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa 34 công trình; y tế 11 công trình; giáo dục 37 công trình, nước sinh hoạt 04 công trình, chợ 05 công trình. Đến nay, các chủ đầu tư đã triển khai thi công đạt 100% khối lượng, kinh phí thực hiện đạt 100% kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, các ngành đã tổ chức thực hiện 118 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng với hơn 7.100 lượt học viên tham gia; tổ chức 02 đợt thăm quan, học tập kinh nghiệm quản lý thực hiện Chương trình 135 ở tỉnh bạn với 30 lượt cán bộ tham gia. Kinh phí thực hiện đạt 5.252. triệu đồng, đạt 81,97% vốn kế hoạch giao. Nội dung các hoạt động nâng cao năng lực chủ yếu tập trung giới thiệu, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, Chương trình 135; công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo; công tác lập kế hoạch có sự tham gia của người dân; kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển sản xuất; tham quan, học tập mô hình sản xuất, kinh doanh ở các tỉnh bạn. Qua công tác tập huấn, bồi dưỡng năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở và cộng đồng từng bước được nâng lên.
Tính riêng năm 2020, ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 44.462 triệu đồng. Hiện nay, UBND tỉnh đã phân bổ cho các địa phương thực hiện. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch giao.Việc triển khai thi công các công trình đầu tư nguồn vốn nhìn chung được thực hiện đảm bảo, kịp thời, có hiệu quả, giải ngân nguồn vốn đảm bảo tiến độ. Công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng ĐBKK. Đến nay, 100% số xã ĐBKK có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; hơn 85% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 70% số xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; 100% số xã có trạm y tế đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% số xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,49%/năm; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân 0,97%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh giảm bình quân hơn 5,58%/năm; thu nhập bình quân hộ nghèo đạt 20 triệu đồng/năm (đầu giai đoạn 10,5 triệu đồng/năm); 90% hộ nghèo được tiếp cận thông tin.
Những kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Hệ thống công trình hạ tầng được đầu tư đã có tác động lớn trong việc thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, miền núi của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển các dịch vụ kinh doanh trong vùng. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến trong phương thức làm ăn, mạnh dạn áp dung tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tập quán chăn nuôi kiểu chăn thả rông trước đây dần được thay đổi theo hướng chăn nuôi tập trung, chuồng trại. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ĐBKK tỉnh Quảng Bình./.
Huyền Thương