Chủ Nhật, 17/11/2024
Sơn La: Thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết 30a

Huyện Phù Yên được biết đến như một điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ. Để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách giảm nghèo, huyện Phù Yên đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các xã và người dân sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Chương trình 135... Huyện cũng tiến hành rà soát, xác định nguyên nhân nghèo ở các xã và chia các hộ nghèo thành các nhóm: Thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; thiếu đất sản xuất; không biết cách làm ăn, không có tay nghề; thiếu lao động; đông người ăn theo; không có khả năng lao động... Nhiều giải pháp hỗ trợ từng nhóm hộ nghèo đã được triển khai như: Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa qua đào tạo; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi; hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả cho nhóm hộ không có vốn sản xuất...


 Các mô hình giảm nghèo ở Phù Yên đã mang lại nhiều hiệu quả, giúp người dân địa phương phát triển đời sống

Theo đồng chí Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 4%/năm, đến hết năm 2019 còn 17,5% , thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 34,4 triệu đồng. Huyện đã có 5 xã (Huy Hạ, Huy Bắc, Mường Cơi, Quang Huy, Gia Phù) đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân các xã đạt 11,7 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đạt được là điều kiện tốt để huyện Phù Yên tiếp tục phát huy các nguồn lực đầu tư cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tìm hiểu được biết, cùng với Phù Yên, những huyện khác được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a ở Sơn La cũng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các huyện 30a trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, như: Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ phát triển dạy nghề, nâng cao dân trí; đào tạo cán bộ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Qua đó, đã góp phần thay đổi nhận thức người dân trong công tác xóa đói, giảm nghèo; hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các huyện từ nguồn vốn của chương trình 30a, chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tiến hành nhanh, hiệu quả, gắn với huy động, lồng ghép nguồn lực của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn đã đem lại bộ mặt mới cho nông thôn miền núi. Trong 10 năm (2009 - 2018), tổng kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trên 2.038 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các huyện nghèo đã được đầu tư xây dựng 502 công trình, gồm 132 công trình giao thông, 131 công trình thủy lợi cấp huyện, liên xã, 84 công trình nước sinh hoạt, 43 công trình điện sinh hoạt, 11 trường học, 5 cơ sở dạy nghề tổng hợp, 65 nhà văn hóa, 21 bệnh viện, trạm y tế, 8 trung tâm cụm xã và 2 công trình chợ; duy tu, bảo dưỡng 34 công trình hạ tầng.

Cùng với đó, với nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên 3.000 tỷ đồng của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, trên 90.000 lượt hộ nghèo, 6.900 hộ cận nghèo và 2.000 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; trên 7.000 lượt hộ được vay vốn đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 9.500 lượt hộ được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn; gần 3.300 lượt học sinh, sinh viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay ưu đãi tham gia học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trường dạy nghề...

Với việc tập trung thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, nhìn chung đời sống kinh tế xã hội của đồng bào các dân tộc ở các huyện 30a trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, Sơn La đã hoàn thành xóa nhà tạm trên địa bàn các huyện nghèo; hơn 97% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia, 90,8% số bản có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo giảm mạnh... Đặc biệt, năm 2018, huyện Phù Yên và huyện Quỳnh Nhai đã chính thức đủ điều kiện “thoát nghèo” theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện, trên địa bàn tỉnh còn 3 trong số 5 huyện nghèo là Bắc Yên, Mường La, Sốp Cộp và công nhận mới thêm huyện Vân Hồ. Anh Lò Văn Minh ở xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi đã phát triển mô hình nuôi cá cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Đến nay, mô hình này đã mang lại cho gia đình tôi thu nhập bình quân mỗi năm gần 150 triệu đồng. Tôi có thêm điều kiện để lo cho các con ăn học”.

Nghị quyết 30a đã giúp kinh tế - xã hội các huyện nghèo ở Sơn La chuyển biến rõ rệt; theo đó, đời sống của nhân dân cũng đã được nâng lên. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại các huyện 30a của Sơn la vẫn còn những hạn chế nhất định; sản xuất hàng hóa chưa phát triển, một số ngành nghề sau khi đào tạo chưa phát huy hiệu quả; việc tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa có hướng đi bền vững; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao; nhu cầu đầu tư lớn, song nguồn lực chưa đáp ứng được, dẫn tới nhiều công trình kéo dài, chậm phát huy hiệu quả; huy động nguồn lực trong dân, trong cộng đồng còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm...

Để khắc phục những hạn chế nói trên, thời gian tới, tỉnh Sơn La đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân xác định rõ trách nhiệm trong việc tham gia đóng góp, tổ chức thực hiện và giám sát chương trình, không trông chờ, ỷ lại từ nguồn vốn ngân sách; tích cực, chủ động tham gia các chương trình giảm nghèo. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở về thực hiện các chính sách giảm nghèo. Thống nhất về cơ chế lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội để tổ chức thực hiện đồng bộ, đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra của các cấp, các ngành, đoàn thể để đánh giá tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện các chính sách. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, bám nắm cơ sở qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Minh Hà

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất