Thứ Năm, 19/12/2024
Đồng Nai: Nỗ lực tăng tốc trong công tác giảm nghèo

 Một hộ khó khăn ở xã Núi Tượng, huyện Tân Phú nhận quyết định bàn giao nhà

Ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, nhất là trong thời điểm người dân cần vốn đầu tư, tái đầu tư sản xuất, chăn nuôi, buôn bán do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Cụ thể, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trong tỉnh đã thực hiện cho vay tín dụng chính sách với khoảng 1,5 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tổng số tiền giải ngân là trên 60 tỷ đồng. Trong đó, có 132 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có phương án đầu tư cần nguồn vốn lớn đã được hệ thống ngân hàng chính sách trong tỉnh cho vay số tiền từ 50-100 triệu đồng so với mức bình quân vay hơn 42 triệu đồng/hộ nhằm giúp những hộ này đủ vốn sản xuất. Qua khảo sát, nguồn vốn vay đang được sử dụng có hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ của người vay.

Cùng với đẩy mạnh hoạt động giải ngân tín dụng chính sách, các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, dạy nghề… dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng được quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp hơn 36,4 ngàn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với số tiền 14,5 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ 30% kinh phí để mua và cấp 214 thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình. Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ tiền ăn và chi phí khám chữa bệnh cho hơn 1,8 ngàn lượt đối tượng với số tiền 1,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ (71 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, gia đình ông thuộc hộ nghèo. Nếu không có thẻ BHYT, tiền ăn và chi phí khám chữa bệnh do Nhà nước hỗ trợ thì vợ ông đang điều trị bệnh thận giai đoạn cuối, bị tiểu đường đã tháo khớp ngón chân không biết lấy đâu tiền chữa chạy.

Cùng với thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách chung dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhiều mô hình, cách làm hay trong trợ giúp người dân giảm nghèo, tránh nguy cơ trở thành hộ nghèo gắn với phương châm huy động nguồn lực tại chỗ cũng được đẩy mạnh thực hiện.

Theo ông Bùi Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, khó khăn lớn nhất của hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn là vấn đề nhà ở. Do vậy, thời gian qua huyện luôn cố gắng huy động mọi nguồn lực để xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo, gia đình khó khăn nhằm trước hết giúp họ ổn định cuộc sống.

Thông qua kêu gọi sự đóng góp từ các tầng lớp nhân dân, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận động Quỹ Vì người nghèo được hơn 8,5 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa 87 căn nhà dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn; đồng thời trao tặng gần 10 ngàn phần quà cho hộ nghèo… Những hoạt động này đã giúp các hộ nghèo giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho họ an cư, lập nghiệp, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngoài số tiền do Nhà nước hỗ trợ ban đầu (từ 50-75 triệu đồng/căn nhà), mỗi gia đình được xây nhà còn nhận được hỗ trợ bằng tiền mặt, ngày công lao động, quà tặng là đồ gia dụng… từ những người dân ở ấp, xã. Điều này đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, động viên tinh thần hộ nghèo, gia đình khó khăn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Ông Võ Văn Tý (ngụ ấp 2, xã Núi Tượng, huyện Tân Phú) cho hay, một trong 2 người con của vợ chồng ông bị khuyết tật. Do vậy mà vợ ông phải ở nhà chăm sóc con. Gia đình lại không có đất sản xuất, thuộc diện khó khăn ở xã nên việc xây cất căn nhà kiên cố rất khó khăn. “Trong quá trình xây nhà mới, ngoài 75 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ, gia đình còn nhận được nhiều sự giúp đỡ về tiền, quà. Khi hoàn thành căn nhà có kinh phí 90 triệu đồng, các thiết bị điện dùng trong sinh hoạt đều đầy đủ. Sự quan tâm này của Nhà nước, cộng đồng là động lực để gia đình cố gắng không trở thành hộ nghèo” - ông Võ Văn Tý nói.

Cùng với đó, nhiều dự án, mô hình, phong trào giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình khó khăn cũng được triển khai trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Trong đó, tỉnh đang triển khai 6 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc 25 xã, phường, thị trấn của 5 huyện, thành phố gồm: Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc và Long Khánh. Qua đó, có 217 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ dê, bò giống.

Ngoài ra, mô hình Mỗi đồng chí trong cấp ủy trực tiếp hỗ trợ cho 1 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo đang được nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh. Với mô hình này, đảng viên được phân công chịu trách nhiệm giúp vốn, hỗ trợ cho hộ nghèo tiếp cận với các nguồn lực của Nhà nước và giám sát sử dụng vốn đúng mục đích, kịp thời hỗ trợ khi có tình huống phát sinh.

Theo ông Quách Vĩnh Tài, Quyền Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Vĩnh Cửu, toàn huyện có 314 hộ nghèo, 386 hộ cận nghèo. Với mô hình Mỗi đồng chí trong cấp ủy trực tiếp hỗ trợ cho 1 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo ban đầu được triển khai tại xã Trị An nay đã được nhân rộng ở 17 xã, thị trấn. Ngoài ra, dự án chăn nuôi bò đang phát triển tốt ở xã Phú Lý, Mã Đà. Huyện cũng đã xây và bàn giao 6 căn nhà cho hộ nghèo. Những kết quả này là động lực để huyện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo A và giảm 234 hộ cận nghèo.

Còn tại huyện Định Quán, nơi có 270 hộ nghèo A và 568 hộ cận nghèo cũng đang tích cực thực hiện các mô hình, phong trào hỗ trợ người nghèo. Trong đó, dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh từ nguồn Quỹ Vì người nghèo giai đoạn 2017-2020 đã giúp hơn 300 hộ dân tiếp cận vốn tự tạo việc làm, nhờ đó nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như quyết tâm thoát nghèo của từng hộ dân, theo Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh thì mục tiêu giảm 1,5 ngàn hộ nghèo và 2 ngàn hộ cận nghèo sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Hiền Lương

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất