Chủ Nhật, 19/1/2025
Tìm giải pháp để OCOP phát huy hiệu quả ở huyện Vĩnh Thạnh

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, Chương trình OCOP nhằm thực hiện việc phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế góp phần tái cơ cấu kinh tế huyện theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Chú trọng thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Với đặc thù là huyện nông nghiệp, những năm qua, Vĩnh Thạnh đã quy hoạch và từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, như: sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, an toàn; khuyến khích phát triển vườn cây ăn trái, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày; phát triển các ngành nghề truyền thống làm bánh đa, chả lụa, mắm tôm,… Ý thức được lợi ích từ chương trình mạng lại, nhiều tổ chức, cá nhân, chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã chủ động xây dựng thương hiệu, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình…


 Hoạt động đóng gói tại Cơ sở chả lụa Kim Ngân - sản phẩm được chọn tham gia chương trình OCOP

 

Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai Chương trình OCOP ở huyện chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, phổ biến, lựa chọn sản phẩm đặc trưng đăng ký; các chủ thể tham gia sản xuất sản phẩm chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ chương trình này. Ông Nguyễn Ngọc Hiền cho biết thêm: “Quá trình triển khai Chương trình OCOP huyện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đây là chương trình mới nên cán bộ phụ trách còn lúng túng, chưa có kinh nghiệm xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện, các chủ thể tham gia chương trình chưa hiểu hết ý nghĩa và lợi ích từ chương trình này mang lại; các cơ sở sản xuất đa phần là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên chưa quan tâm đến việc đăng ký chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm hàng hóa… Mặt khác, trong hơn một năm qua dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở…”.

Hợp tác xã (HTX) Gạo sạch My Hậu chọn sản phẩm gạo tím thảo dược tham gia Chương trình OCOP nhưng qua các vụ sản xuất hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2021 HTX chuyển sang đăng ký sản phẩm gạo an toàn ST24, ST25 và Đài Thơm 8. HTX tự đánh giá các sản phẩm này đạt tiêu chuẩn 4 sao và cũng đã thực hiện xong hồ sơ, thủ tục gửi Phòng NN&PTNT huyện và Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Cần Thơ thẩm định, đánh giá. Ông Dương Đình Vũ, Giám đốc HTX Gạo sạch My Hậu, nói: “Do HTX mới thành lập nên bộ máy tổ chức hoạt động còn nhiều hạn chế từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình. Mặt khác, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu bị hạn chế”.

Với 30 năm kinh nghiệm, Cơ sở chả lụa Kim Ngân đã từng bước đổi mới trang thiết bị, ứng dụng công nghệ máy móc trong các khâu sản xuất, sử dụng bao bì từ màng nhựa phức hợp kháng khuẩn PA, đóng gói ép hút chân không, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa in được nhãn hiệu, mã vạch chất lượng và các thông số kỹ thuật của sản phẩm lên bao bì… Vì thế cơ sở chả lụa Kim Ngân có nhiều thuận lợi để tham gia Chương trình OCOP. Căn cứ các tiêu chuẩn quy định, sản phẩm chả lụa Kim Ngân đạt mức 3 sao, hiện tại cơ sở đang lập hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và giá cả thịt heo ở mức cao khiến số lượng sản phẩm tiêu thụ bị giảm nên cơ sở gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Đoán, chủ Cơ sở chả lụa Kim Ngân, nói: “Trước đây, trung bình mỗi tháng cơ sở của tôi sản xuất và tiêu thụ khoảng 3 tấn chả, nhưng hơn một năm nay mỗi tháng chỉ còn chưa tới 2 tấn chả, doanh thu giảm hơn 30%, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia Chương trình OCOP”.

Tham gia Chương trình OCOP huyện Vĩnh Thạnh xác định mục tiêu là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả chương trình, trong đó, chú trọng nâng cao vai trò cấp cơ sở trong phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương và vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Riêng năm 2021 huyện phấn đấu có ít nhất 2/9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình này. Mỗi địa phương lựa chọn 1-2 sản phẩm đặc trưng thế mạnh để tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển theo Chương trình OCOP. Đến cuối năm có ít nhất một sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên trong các sản phẩm sau: Chả lụa Kim Ngân (thị trấn Thạnh An), Gạo sạch My Hậu (xã Vĩnh Trinh), sản phẩm Rượu Ngọc Bích (xã Thạnh Thắng)…

Ông Nguyễn Ngọc Hiền cho biết: “Để xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, đưa các chính sách ưu việt đến gần hơn với nông dân, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm,... Ðồng thời, vận dụng linh hoạt, lồng ghép các chính sách, nguồn vốn để tập trung phát triển cho từng chủ thể, sản phẩm cụ thể. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân góp phần nâng chất nhóm tiêu chí về kinh tế trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao”.

(baocantho.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất