Chủ Nhật, 17/11/2024
Dân vận khéo góp phần giảm nghèo bền vững ở Con Cuông

Cán bộ, đảng viên làm tốt vai trò nêu gương

Những năm gần đây, mô hình trồng cây có múi xen chè đã và đang là hướng đi kinh tế mang lại thu nhập cao ở Con Cuông. Vậy nhưng, ít ai biết rằng, mảnh đất Bồng Khê là một trong những địa phương đầu tiên khởi phát mô hình này.

Bên vườn chè xanh mướt rộng hơn 5.500m2 hiện đang trồng xen 200 gốc bưởi các loại, chị Đinh Thị Đào - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bồng Khê cho biết, từ năm 1995, gia đình chị đã gắn bó với cây chè. Tuy nhiên, nó chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Cho đến năm 2015, khi được các chuyên gia kỹ thuật chia sẻ về những lợi ích mang lại từ việc trồng xen bưởi trên vườn chè, chị đã mạnh dạn trao đổi với con trai là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp liên hệ với Trung tâm giống cây trồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam lựa chọn những giống bưởi tốt nhất về canh tác.


 Ông Hà Văn Cảnh - Phó Bí thư Chi bộ - Trưởng bản Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông
là tấm gương sáng trong phong trào dân vận khéo


Thời điểm đó, khá nhiều người e ngại với quyết định này. Nhưng rồi, bằng kiến thức thực tiễn và tinh thần mạnh dạn trong áp dụng những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, chị đã quyết tâm thực hiện. Thực tế cho thấy, bưởi và chè kết hợp trồng xen có nhiều thuận lợi, giảm chi phí phân bón và nước tưới. Bên cạnh đó, cây bưởi còn tạo độ ẩm, độ tơi xốp, giảm các loài sâu bệnh cho cây chè phát triển. Nhờ thế, mỗi năm từ mô hình trên đã cho thu hoạch hơn 3 tấn chè búp tươi và hơn 20 tấn bưởi. Trừ chi phí mang về lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng cho gia đình.

Sau thành công của bản thân, trên cương vị là một cán bộ mặt trận, chị Đinh Thị Đào đã vận động, lan tỏa mô hình kinh tế này tới nhiều người dân trong vùng. Cùng với đó, chị đã tích cực tìm hiểu những kỹ thuật chăn nuôi mới để đồng hành với bà con trong xây dựng mô hình kinh tế hộ.

Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1982) với xuất phát điểm là hộ nghèo. Vậy nhưng, dưới sự động viên, hỗ trợ và đồng hành từ nguồn vốn đến kỹ thuật của chị Đào và Mặt trận xã, anh đã từng bước xây dựng thành công mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Những năm gần đây, mô hình đã mang về thu nhập khá, trở thành một mô hình dân vận khéo thành công của địa phương. Ngoài mô hình này, toàn xã Bồng Khê đã có hàng chục mô hình dân vận khéo được huyện công nhận trong thời gian qua.

Còn đối với xã Môn Sơn, những năm qua phong trào dân vận khéo cũng đã được triển khai vô cùng sôi nổi và hiệu quả. Phía sau sự thành công đó, nhiều tấm gương đã khẳng định được vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của hệ thống chính trị và là điểm sáng trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Tiêu biểu có ông Hà Văn Cảnh - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Tân Sơn. Với vai trò Trưởng bản, ông đã gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế như khôi phục phát triển nghề mây tre đan, chăm sóc vườn rừng, chăn nuôi, đào ao thả cá, trồng trọt các loại cây cho năng suất cao như dưa chuột, ngô, các giống lúa lai. Ông không ngại ngần "cầm tay, chỉ việc" cho người dân khai khẩn đất hoang, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Nhờ vậy, trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của bản Tân Sơn đã giảm từ hơn 95% xuống còn 20%. Các mô hình kinh tế xóa đói giảm nghèo được duy trì bền vững, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận, đồng chí Vi Văn Bạch - Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông chia sẻ, trên thực tế, đã có nhiều cán bộ, đảng viên luôn giữ đúng phương châm lời nói đi đôi với việc làm, trực tiếp xây dựng nhiều mô hình thành công để tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực và truyền nhiệt huyết cho người dân cùng thực hiện.

Nhờ vậy, trên lĩnh vực phát triển kinh tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được đẩy mạnh; có 81 mô hình được đăng ký xây dựng (trong đó có 34 mô hình tập thể và 47 mô hình cá nhân). Nhiều mô hình “Dân vận khéo” bước đầu có hiệu quả tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Dân vận gắn với xu thế phát triển kinh tế trong tình hình mới

Thực hiện tốt chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” rằng: “Khi phát động và xây dựng các mô hình phải đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, các mô hình phải bám sát nhiệm vụ chính trị, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm của từng địa phương, cơ quan đơn vị”, tại Con Cuông, các mô hình dân vận khéo đã căn bản làm tốt điều này.

Thể hiện rõ nét nhất là việc triển khai các mô hình dân vận khéo gắn với mục tiêu xây dựng Con Cuông theo hướng đô thị sinh thái. Trong đó, phong trào dân vận gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm ở Con Cuông những năm gần đây phát triển khá sôi động, trở thành điểm nhấn không thể bỏ qua của các du khách khi đến với vùng đất này.

Đạt được thành quả đó, là sự chung sức đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội khi tổ chức và vận động người dân tham gia các chương trình tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch. Cùng với đó, trực tiếp xây dựng các mô hình dân vận khéo nhằm định hướng, giúp đỡ cho người dân trong quá trình liên kết tạo nguồn thực phẩm sạch và phục vụ văn hóa, văn nghệ tại các vùng bản du lịch cộng đồng.

Đặc biệt là sự đồng hành cùng bà con chung tay xây dựng ngay tại thôn bản thành những “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, những “làng, xã kiểu mẫu”… để thu hút khách du lịch. Nhờ vậy, nhận thức, kỹ năng về phát triển du lịch của người dân đã từng bước được nâng cao, nguồn thu nhập từ hướng đi này cũng ngày càng bền vững.

Ước tính đến cuối năm 2022, du lịch cộng đồng tại Con Cuông đã đón tiếp được hơn 49 nghìn lượt khách, mang lại tổng thu nhập từ loại hình du lịch này trên 7 tỷ đồng. Nhìn lại quá trình triển khai phong trào dân vận khéo tại địa phương, đồng chí Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông Phạm Trọng Bình chia sẻ, với nhiều cách làm hay, sáng tạo từ cơ sở, hiệu quả của phong trào được khẳng định rộng khắp trên các phương diện .

Đặc biệt, đối với lĩnh vực kinh tế thì các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị tập trung hướng về cơ sở, vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, phát huy vai trò chủ thể trong thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa huyện nhà phát triển một cách toàn diện, bền vững.

(baonghean.vn)


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất