Mô hình “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Phúc (Hàm Tân, Bình Thuận) vận dụng sáng tạo, thực hiện có hiệu quả thông qua đội ngũ “cốt cán thôn”. Minh chứng là đời sống người dân ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 3,03% và xã được công nhận xã nông thôn mới (NTM) năm 2017.
|
|
Khi được chọn xã “về đích” NTM, Tân Phúc chỉ đạt 15 tiêu chí, 4 tiêu chí còn lại để công nhận là một chặng đường cam go đặc biệt là tiêu chí trường học, y tế, giao thông. Bà Phạm Thị Hải – Chủ tịch UBND xã Tân Phúc cho biết: “Bắt tay vào xây dựng NTM, xã đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó công tác dân vận luôn quan tâm hàng đầu tạo sự đồng thuận của người dân từ đó huy động các nguồn lực tập trung thực hiện chương trình”. Thực hiện công khai, minh bạch quy chế dân chủ, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người dân được trực tiếp làm, kiểm tra, giám sát những công việc của thôn, xóm giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi của bản thân, gia đình. Nhờ vậy các phong trào làm giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa thôn, chung tay bảo vệ môi trường được người dân nhiệt tình hưởng ứng và trở thành phong trào thi đua giữa các thôn. Đơn cử phong trào làm giao thông nông thôn tại xã được người dân hưởng ứng tích cực, góp hơn 5 tỷ đồng cùng Nhà nước nhựa hóa, bê tông, sỏi hóa 66 tuyến đường giao thông với chiều dài hơn 70 km.
Trước đây, trên địa bàn xã nhất là các vùng giáp ranh giữa các xã, thị trấn, các ao hồ, sông suối... có nhiều hộ dân thường xuyên vứt rác bừa bãi, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân. Khu vực chợ Tân Phúc, lượng rác thải từ các hộ buôn bán rất lớn, việc thu gom rác chưa đảm bảo yêu cầu dẫn đến tình trạng rác tồn đọng. Để khắc phục tình trạng này, xã đã xây dựng và duy trì mô hình hiệu quả: “Điểm khu dân cư bảo vệ môi trường” tại thôn 2 của xã. Hiện có hơn 550 hộ tham gia ký cam kết trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường đường làng, ngõ xóm. Riêng các hộ nuôi trồng thủy sản thường xuyên nạo vét, tu bổ tạo cảnh quan, không gian sinh thái và điều hòa môi trường. Xã tuyên truyền các hộ có ao nuôi thủy sản phải có rào chắn, biển báo nhằm tránh nguy cơ mất an toàn cho người dân. Các tuyến đường trên địa bàn xã hiện nay nhân dân đều thực hiện tốt việc đóng tiền hàng tháng cho xe thu gom rác và dọn vệ sinh thường xuyên. Mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ đó, thu hút ngày càng nhiều người tôn tạo cây xanh, giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Từ hiệu quả của mô hình, Tân Phúc đang triển khai thêm mô hình “Hố xử lý rác thải gia đình” trên địa bàn xã theo quy cách 1,5m x 2m x1m trong vườn của các hộ gia đình. Trong đó, chia hố rác ra hai ngăn, mỗi ngăn 1,5m trên hố rác có nắp đậy, một ngăn đựng rác hữu cơ có thể phân hủy, một ngăn đựng các loại rác túi ni lon, chai lọ… mỗi tuần tiêu hủy bằng phương pháp đốt 1 lần, giao tổ tự quản, Ban công tác Mặt trận kiểm tra. Ngoài ra, xã thường xuyên vận động người dân thu gom, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, chất đốt thức ăn gia súc... Việc thu gom rác thải được phân loại, vận chuyển xử lý chất thải rắn theo đúng quy định. Bên cạnh đó, một số mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội nhân rộng đem lại hiệu quả là mô hình nuôi dông, nuôi bồ câu Pháp, sản xuất thanh long VietGAP, mô hình ánh sáng an ninh, khu dân cư phòng chống tội phạm
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Tân Phúc đã góp phần quan trọng, làm chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần phát huy dân chủ cơ sở, huy động nội lực trong nhân dân để hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: baobinhthuan.vn, 5/4/2018