Thứ Năm, 19/12/2024
Xóa nghèo từ cây cà-phê xứ lạnh

 Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Kon Plông (Kon Tum) đã trồng được cây cà-phê xứ lạnh

Được chọn để tham gia "Ðề án hỗ trợ phát triển cây cà-phê xứ lạnh", đầu năm 2014, anh A Chen (dân tộc Xơ Ðăng) ở thôn Chung Tam, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) nhận được hỗ trợ hơn 2.500 cây giống và phân bón để trồng trên diện tích 0,5 ha của gia đình. Sau hai năm chăm sóc, cây cà-phê ca-ti-mo của gia đình A Chen đã bắt đầu ra hoa và cho quả thu bói được 3kg/gốc, thu hoạch đúng dịp cà-phê được giá. Vụ thu hoạch đầu tiên gia đình A Chen thu được hơn 30 triệu đồng. A Chen chia sẻ: Từ trước đến nay chỉ trồng cây lúa, cây mỳ, đi chặt đót, tìm dược liệu, cho nên chỉ đủ cái ăn, cái mặc thôi. Ðây là lần đầu trong đời tôi cầm số tiền lớn trong tay. Chưa bao giờ tôi nghĩ cây cà-phê lại cho lãi nhanh như thế...

Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri A Róc cho biết, ngoài gia đình A Chen, còn có 45 hộ đồng bào Xơ Ðăng khác ở xã Măng Ri, trồng được hơn 10 ha. Ưu điểm của giống cây này là không cần tưới nước, chỉ cần phân bón và làm cỏ, cho nên rất hợp với cách sản xuất của người dân địa phương. Ðây là giống cà-phê đạt hiệu quả kinh tế cao nhất từ trước đến nay trên miền đất này. Chính quyền xã cũng đang vận động người dân mở rộng diện tích cà-phê xứ lạnh, phấn đấu ít nhất mỗi hộ có từ 0,5 đến 1 ha cà-phê để tạo việc làm và xóa nghèo cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Ðầu năm 2014, tỉnh Kon Tum triển khai "Ðề án phát triển cà-phê xứ lạnh" tại ba huyện gồm: Tu Mơ Rông, Ðác Glei và Kon Plông... Ðến nay, đã triển khai trồng mới được 1.030 ha cà-phê chè, với hơn 4.100 hộ nghèo tham gia. Nhìn chung, các vườn cà-phê trồng có tỷ lệ sống khá cao, hơn 95% diện tích sinh trưởng tốt. Diện tích 130 ha cà-phê chè trồng năm 2014 đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt từ 10 đến 12 tấn quả tươi/ha; có diện tích cà-phê TN1 thu 18 tấn quả tươi/ha. Ngoài ra, hơn 230 ha khác trồng từ năm 2015 cũng bắt đầu cho thu hoạch, với năng suất từ năm đến bảy tấn/ha.

Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Nguyễn Văn Lân cho biết, hầu hết diện tích cà-phê xứ lạnh của huyện đều là của các hộ nghèo, được tỉnh Kon Tum hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật. Ðịa phương đang phát động người dân phát triển diện tích cây cà-phê xứ lạnh và sẽ tiếp tục hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa phát triển rộng.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, cà-phê xứ lạnh được trồng với mật độ 5.000 cây/ha và đây là năm thứ ba cho thu hoạch. Theo đó, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ đạt năng suất từ 5 đến 7 kg/cây và nếu chỉ tính 6.000 đồng/kg thì mỗi ha cà-phê mang lại hơn 120 triệu đồng. Ðến nay, huyện Kon Plông đã trồng được hơn 238 ha, dự kiến trong năm 2018, huyện Kon Plông sẽ triển khai cho người dân trồng tiếp khoảng 214 ha.

Về đầu ra cho sản phẩm, UBND huyện Kon Plông cho biết, hai đơn vị là Công ty TNHH một thành viên cà-phê Nguyễn Huy Hùng có trụ sở đóng tại huyện Ðác Hà (Kon Tum) và Công ty TNHH Ðầu tư xuất nhập khẩu Cao Nguyên (Ðác Lắc) đã cam kết với địa phương thu mua tất cả sản lượng cà-phê cho người dân theo giá thị trường là 7.000 đồng/kg. Ngoài hai công ty này, năm 2017, Hợp tác xã nông-lâm nghiệp và Dịch vụ Măng Bút, huyện Kon Plông (Kon Tum) đã thu mua cà-phê của người dân hai xã Măng Bút và Ðác Tăng với giá trung bình 6.500 đồng/kg. Tổng số tiền thu được của các hộ tham gia Ðề án trồng cà-phê xứ lạnh năm 2014 và 2015 ở huyện Kon Plông đạt gần 3,5 tỷ đồng, trung bình đạt 68,8 triệu đồng/ha.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kon Tum Trần Văn Chương cho biết: 2018 là năm cuối cùng tỉnh Kon Tum hỗ trợ cây giống cà-phê xứ lạnh cho các địa phương. Dự kiến, năm nay sẽ trồng khoảng hơn 500 ha. Sở đã giao cho Trung tâm Khuyến nông của tỉnh chuẩn bị đầy đủ cây giống hỗ trợ vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp người dân có điều kiện chăm sóc đúng kỹ thuật. Ðồng thời hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, Sở NN-PTNT còn hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ để nâng cao giá trị gia tăng của cây cà-phê, hướng đến xây dựng thương hiệu cà-phê xứ lạnh cho đồng bào các dân tộc vùng Ðông Trường Sơn của Kon Tum và các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Thu Phương

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất