Thứ Năm, 19/12/2024
Chương trình Giảm nghèo bền vững của TP. Hồ Chí Minh: Tăng tốc để về đích sớm 2 năm

Thụ hưởng chính sách đa chiều

Vợ chồng ông Lê Hoàng Thiện (56 tuổi, ngụ quận 5) có 3 người con, trong khi hai vợ chồng không có nghề nghiệp, công việc không ổn định. Vợ ông Thiện lại bệnh tật liên miên, trải qua nhiều ca mổ. Cuộc sống vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn. Ông Thiện tâm tình, nhiều lúc vợ chồng ông tính bỏ cuộc, mặc kệ cuộc sống đẩy đưa thế nào thì chấp nhận thế. Trong lúc vợ chồng ông Thiện rơi vào cảnh khó khăn tứ bề, các chính sách hỗ trợ của thành phố, của quận cho diện nghèo đã đến với gia đình ông, cả vật chất lẫn tinh thần.

Ông Thiện cho hay, đầu năm 2017, vợ ông được phường sắp xếp một chỗ bán thức ăn sáng tại chung cư Viễn Đông, được thành phố tặng sinh kế là một xe bán hủ tiếu trị giá 5 triệu đồng, lại được vay 50 triệu đồng làm vốn buôn bán. Ông Thiện được giới thiệu làm bảo vệ tại Công ty Trung Dũng (quận 8) với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. “Vợ chồng tôi cũng xác định phải lo cho các con học hành tới nơi tới chốn, có kiến thức mới có thể có điều kiện thay đổi cảnh khó khăn hiện tại, vươn lên cuộc sống đầy đủ tốt đẹp hơn. Vì thế, dù vất vả, hai vợ chồng vẫn chịu đựng, cố gắng bươn chải, không để các con bỏ học giữa chừng”, ông Thiện giãi bày. 

Tiếp sức cho gia đình ông Thiện, quận đã liên tục miễn giảm học phí, cấp học bổng nhiều năm cho cả 3 cháu qua tất cả các cấp học. Các cháu cũng được hỗ trợ vay vốn sinh viên - học sinh từ nguồn quỹ tín dụng chính sách xã hội, với số tiền 28 triệu đồng. Không những chăm lo về sinh kế, học tập, năm nào gia đình ông Thiện cũng nhận được thẻ bảo hiểm y tế và năm 2017 còn được sửa nhà (chống dột) với kinh phí 30 triệu đồng.


 Khảo sát tình hình đời sống hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn quận 5. TP. Hồ Chí Minh

Ông Thiện cho hay, nhờ sự trợ giúp đa chiều như thế, cuộc sống của gia đình ông đã ổn định, các con học hành tới nơi tới chốn, có công việc, thu nhập khá. Con gái lớn đang làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy; con gái giữa vừa tốt nghiệp đại học, đang làm kế toán ở quận 10; con gái nhỏ đang học đại học năm 2 ngành Giáo viên mầm non, có làm thêm được 2 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình ông Thiện hiện nay đã vươn lên vượt chuẩn cận nghèo của TP. Hồ Chí Minh và cũng vượt qua các chiều nghèo về bảo hiểm y tế, việc làm, nhà ở… 

Gia đình ông Lê Hoàng Thiện là một trong 375 hộ nghèo của quận 5 đã được thụ hưởng chính sách giảm nghèo đa chiều, và tất cả đã vươn lên thoát nghèo. Cùng với quận 5, quận 6 và quận 3 cũng không còn hộ nghèo theo chuẩn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020. 

Chú trọng tính bền vững trong công tác giảm nghèo

Chia sẻ về kinh nghiệm để cán đích việc giảm nghèo đa chiều trước 3 năm, ông Trương Canh Ba, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết quận thường xuyên cập nhật số lao động nghèo, cận nghèo chưa có việc làm, hoặc việc làm không ổn định, để liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh kịp thời giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm ổn định, việc làm tăng thêm thu nhập. Quận cũng đã khảo sát tình hình nhà ở và trong 2 năm đã xây dựng, sửa chữa 42 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo.

Tương tự, tại quận 6, toàn bộ 660 hộ nghèo trong quận đã từng bước khắc phục khó khăn, có điều kiện cho con em được học hành, mua sắm phương tiện mưu sinh, qua đó nâng thu nhập, giảm nghèo. Theo bà Lê Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 6, quận cũng chú trọng tính bền vững, cái gốc của công tác giảm nghèo bằng cách chăm lo học bổng, học nghề cho thành viên hộ nghèo. Thời gian qua, quận đã trao gần 5.200 suất học bổng với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng. Cùng với đó, 116 em thuộc thành viên hộ nghèo, cận nghèo được học nghề. 

Thực tế, 2 chiều nghèo đang khó giảm nhất là nhà ở (chuẩn nghèo về nhà ở là diện tích nhà bình quân dưới 6m2/người ở nội thành, 10m2/người ở ngoại thành) và dạy nghề. Đây là 2 chiều nghèo cần làm lâu dài. Mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ xây, sửa khoảng 1.000 căn nhà, cơ bản giúp người nghèo, cận nghèo không phải ở nhà hư hỏng, dột nát. Tuy nhiên, toàn TP còn gần 6.700 hộ thiếu hụt về nhà ở, chủ yếu phải ở trong những căn nhà chật chội, dưới chuẩn nghèo về nhà ở.

Theo ông Trương Văn Lương, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững TPHCM, để nâng diện tích bình quân đầu người nhằm giảm nghèo về diện tích nhà ở, cần triển khai đồng loạt nhiều giải pháp như hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà; phát triển nhà ở xã hội… Thậm chí, đầu tư chiều sâu cho con cái hộ nghèo, cận nghèo học tập, có việc làm ổn định, trưởng thành tách ra ở riêng, thì mới kéo giảm được mặt nghèo về nhà ở. Để giảm nghèo về nghề nghiệp, ông Trương Văn Lương cho biết thành phố đẩy mạnh vận động người nghèo học nghề. Riêng với những người đã có tay nghề nhưng chưa có chứng chỉ nghề thì các quận, huyện tổ chức ôn thi, kiểm tra tay nghề, cấp chứng chỉ nghề.

Việc kiểm tra, cấp chứng chỉ nghề (miễn phí) giúp lao động nghèo khi đi làm sẽ có cơ sở rõ ràng để thỏa thuận lương, đương nhiên được xếp bậc lương, nâng lương theo quy định; hạn chế tình trạng bị người sử dụng lao động “bắt nạt”, đánh đồng với lao động chưa qua đào tạo, hoặc trả lương không đúng bậc vì mù mờ về trình độ tay nghề.

Ông Trương Văn Lương cho biết, từ nay đến cuối năm 2018, dự kiến có thêm 8 quận không còn hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo ở TP giảm còn dưới 0,3%. “TP. Hồ Chí Minh sẽ kết thúc chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sớm trước 2 năm”, ông Lương chia sẻ và cho biết thêm, điểm khác biệt trong việc giảm nghèo thời gian qua với các giai đoạn giảm nghèo trước đó là các quận, huyện không chỉ chú trọng vào giảm nghèo theo tiêu chí thu nhập, mà còn có biện pháp tác động, giảm nghèo ở các mặt giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, thông tin.

Mạnh Hòa

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất