Với phương châm sống “Tốt đời - đẹp đạo”, nhiều năm qua công tác tôn giáo trên địa bàn TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa luôn bảo đảm. Các chức sắc, chức việc, bà con tín đồ, phật tử luôn sống và thực hành đức tin một cách chính đáng, gắn bó, đồng hành cùng sự phát triển chung của thành phố.
|
Tình nguyện viên Chùa Thanh Hà chuẩn bị suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
|
Trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện có 3 tổ chức tôn giáo là Công giáo, Phật giáo và Tin lành. Thành phố không có vùng giáo toàn tòng, các tôn giáo sống đan xen trong các khu dân cư. Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Công tác tôn giáo”, 15 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng nhiều văn bản để thống nhất nội dung lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp, các ngành từ thành phố đến phường, xã kết hợp đồng bộ, chặt chẽ trong triển khai đã nâng cao nhận thức về công tác tôn giáo và tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Hàng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo hiểu rõ và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và tôn giáo nói riêng. Đồng thời, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chức sắc, nhà tu hành và các tín đồ để xem xét, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các tôn giáo, trong đó có nhu cầu về đất đai, cải tạo, nâng cấp, xây dựng cơ sở thờ tự, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng... theo quy định của pháp luật, không để phát sinh các vụ việc phức tạp.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với vùng đồng bào có đạo, giữ vững mối quan hệ đoàn kết lương - giáo, công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng có đạo được TP Thanh Hóa quan tâm chú trọng. Công tác vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên là người có đạo vào các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ngày một nhiều. Những năm gần đây, đã thu hút 517 chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia ủy viên ủy ban MTTQ, ban chấp hành các đoàn thể từ thành phố đến phường, xã. Xác định công tác phát triển đảng viên ở vùng có đạo là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, ban tổ chức thành ủy và cấp ủy đảng cơ sở luôn chỉ đạo thực hiện tốt việc lựa chọn quần chúng ưu tú các tôn giáo có đủ tiêu chuẩn đưa vào tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp đảng viên. Từ năm 2005 đến nay, Đảng bộ TP Thanh Hóa đã kết nạp được 69 đảng viên là người có đạo. Qua thực tế cho thấy, đa số đảng viên đã phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua tại địa phương, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định sinh hoạt tôn giáo, ổn định chính trị - xã hội, là cầu nối giữa Đảng với đồng bào có đạo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Ngoài phát triển đảng viên mới, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng quan tâm đến xây dựng và phát triển lực lượng cốt cán trong đồng bào tôn giáo. Hiện nay, lực lượng cốt cán trong đồng bào tôn giáo có 154 người, số đông đã phát huy tốt vai trò của mình, gần gũi, vận động các tăng ni, tín đồ, giáo dân chấp hành tốt các quy chế hoạt động của tôn giáo, không vi phạm các tệ nạn xã hội, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, gây mất an ninh trật tự địa phương.
Để đưa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo đi vào chiều sâu, giải quyết hiệu quả các vấn đề về tôn giáo, trong thời gian tới, TP Thanh Hóa tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn mới. Cùng với việc động viên các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần tích cực thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, TP Thanh Hóa chủ động đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo để phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Ngoài quan tâm xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vùng giáo bảo đảm trong sạch, vững mạnh, MTTQ tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước nhằm phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng những nhân tố tiêu biểu làm nòng cốt trong vận động nhân dân vùng có đạo thực hiện tốt phương châm sống “Tốt đời – đẹp đạo”./.
Nguồn: baothanhhoa.vn, ngày 6/8/2017