Thứ Bảy, 4/5/2024
Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ có tôn giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thương binh khiếm thị

Trong thư gửi Ban thường trực “ Ngày thương binh toàn quốc”, lần đầu tiên, Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa thế nào là thương binh:

“ Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt.

Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(1).

Trong di sản của Bác Hồ với công tác thương binh liệt sĩ là người có tôn giáo, có lẽ cảm động nhất là bức thư của Người gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng- Bộ trưởng Bộ Y tế và cũng là người Công giáo khi con trai ông là anh Vũ Đình Thành hy sinh khi bảo vệ chợ Hôm  ( Hà Nội) những ngày Thủ đô kháng chiến đầu năm 1947:

“ Thưa ngài

Tôi được báo cáo rằng, con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc

Ngài biết rằng, tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.

Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món của qúi báu nhất là con mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi lời ngài chào thân ái và quyết thắng” (2).

Chúng ta có cảm tưởng đây là những lời chia sẻ, tâm tình của người đồng đạo với nhau khi có tin buồn . Cha mẹ nào không đứt ruột khi đứa con của mình ra đi mãi mãi nhưng Hồ Chí Minh còn mang nỗi đau của  hàng ngàn người cha, hàng ngàn người mẹ vì Người đã coi tất cả thanh niên Việt Nam là con cái của mình nên bao thanh niên hy sinh thì Người đều gánh nỗi đau đó. Lá thư cũng thấm đẫm tinh thần giáo lý Công giáo vì Phúc âm nói rằng, chính Thiên Chúa đã đem Con Một của Người làm của lễ cứu độ nhân loại. Bức thư cũng đã lần đầu tiên đưa ra mối tương quan giữa đạo và đời. Người tín hữu nào làm tròn bổn phận công dân thì họ cũng là người con tốt lành của Chúa. Nói như ngôn ngữ ngày nay là “tốt đời, đẹp đạo” hoặc “người Công giáo tốt cũng là công dân tốt”.

Để bày tỏ lòng biết ơn với các thương binh, liệt sĩ, Bác Hồ vận động toàn dân nói chung và đồng bào các tôn giáo tham gia vào công tác này. Trước hết, với đồng bào có đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị đồng bào tham gia bằng những thế mạnh của các tôn giáo. Đầu tiên là bằng lời cầu nguyện. Tức là một việc mà đồng bào các tôn giáo ai cũng làm thường ngày và tham gia được một cách dễ dàng. Ngay trong thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Noen 1947, Hồ Chủ tịch viết: “ Trong cuộc kháng chiến, nhiều đồng bào Công giáo đã hăng hái hy sinh. Tôi đề nghị toàn thể đồng bào Công giáo trong kỳ lễ Noen này cầu nguyện cho linh hồn các chiến sĩ giáo và lương đã bỏ mình vì nước và cầu nguyện cho Tổ quốc ta được thắng lợi” (3).

Trong thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Noen 1951, Bác Hồ lại nhắc nhở: “ Trong ngày lễ Noen, tôi mong đồng bào nhớ cầu nguyện cho những chiến sĩ giáo và lương đã kháng chiến anh dũng và đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Nhớ cầu nguyện cho những vị giáo sĩ và bà phước từ Bắc đến Nam,đã vì chính nghĩa mà bị giặc Pháp giết hại” (4).

Cái nhân văn ở đây là Hồ Chí Minh đề nghị người Công giáo không chỉ cầu nguyện cho người Công giáo, liệt sĩ là người Công giáo mà cho cả những liệt sĩ không phải là người Công giáo nữa, thể hiện sự đại đoàn kết dân tộc ngay ở lĩnh vực tâm linh tôn giáo. Nó cũng đúng với giáo lý của Công giáo là luôn phải cầu nguyện cho người sống và người đã qua đời.

Hồ Chí Minh không chỉ mời gọi đồng bào có đạo cầu nguyện cho các liệt sĩ mà chính bản thân Chủ tịch cùng nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ cũng trực tiếp đến dự lễ cầu hồn cho các liệt sĩ đã bỏ mình vì nước ngày 2/11/1946 do Liên đoàn Công giáo Việt Nam tổ chức tại nhà thờ lớn Hà Nội. Bác Hồ cổ vũ động viên mọi tầng lớp tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa như nhịn ăn một bữa trong một tháng để quyên góp cho thương binh liệt sĩ. Bác viết: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống giặc ngoại xâm, tôi chắc đồng bào cũng sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp chiến sĩ bị thương” (5).. nhưng Bác cũng đề phòng sự thái quá trong việc nhịn ăn. Người viết: “Hôm đó các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, các bộ đội các mặt trận, những đồng bào đang đau yếu, thì không nên nhịn. Còn các cơ quan, các bộ đội, các trường học, các đoàn thể và toàn thể đồng bào cả nước đều nhịn ăn một bữa”. Song bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh thì lại gương mẫu hưởng ứng: “ Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là 1.127 đ.00” (6). Chính chiếc áo này đã được đưa ra đấu giá lấy tiền ủng hộ anh em thương binh. Ông Cao Triều Phát đại diện đồng bào Cao Đài Nam Bộ đã gửi đấu giá 100.000 đồng nhưng chậm nên mặc dù Liên hiệp Công đoàn Bắc Cạn đã mua được với giá 467.000 đồng , họ cũng đã gửi tặng cái áo lại cho ông Cao Triều Phát. Còn Hồ Chí Minh lại gửi tặng vuông mùi xoa cho ông Lam Sơn- người cũng tham gia đấu giá chiếc cúc áo với giá 10.000đ.

Thật ra, không phải đến năm 1947, Hồ Chí Minh mới nói đến sự biết ơn với thương binh, liêt sĩ. Ngay từ năm 1946, ngay khi vừa đi Pháp về, lời đầu tiên tuyên bố với quốc dân, Bác nói: “Tôi kính cẩn cúi đầu chào trước linh hồn các liệt sĩ và xin lỗi đồng bào đương khổ sở hy sinh” (7). Nên nhớ rằng, Bác Hồ là người cộng sản nhưng trong tâm hồn luôn chất chứa tâm linh tôn giáo. Tại sao Bác phải xin lỗi đồng bào, vì thấy mình có trách nhiệm lãnh đạo đất nước nhưng chưa làm cho dân được sung sướng, hạnh phúc như mơ ước. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Người đã viết: “ Tôi xin kính cẩn cúi chào  vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và đồng bào đang hy sinh trong cuộc đấu tranh của nước nhà. Sự hy sinh đó không phí uổng” (8). Ngày 7-11-1946 khi đến dự lễ “ Mùa đông binh sĩ” quyên góp ủng hộ việc mua áo ấm cho bệnh binh, thương binh, Người đã cởi áo khoác của mình tặng cho Ban tổ chức . Một năm sau ngày phát động tức ngày 27-7-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư cảm động . Bức thư viết:

“ Nạn ngoại xâm như trận lụt đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe dọa cuốn trôi cả sinh mệnh tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ dựng thành bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào… Họ liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ, vợ con họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân của thương binh tàn phế sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không được tái sinh” (9).

Để chia sẻ phần nào khó khăn với các gia đình thương binh, liệt sĩ, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh 20/SL ngày 16/2/1947 về chế độ thương bệnh binh và tiền tuất tử sĩ.

Hồ Chí Minh luôn theo sát phong trào đền ơn đáp nghĩa nơi đồng bào có đạo để động viên cổ vũ kịp thời. Người gửi điện văn khen ngợi linh mục Lê Văn Yên ở Bắc Ninh: “ Ngài luôn tận tâm săn sóc các anh em thương binh. Ngài lại không nhận lương phụ cấp. Như thế, Ngài đã nêu cao cái gương cần, kiệm, liêm , chính cho mọi người. Ngài đã và đang giúp một cách đắc lực vào công cuộc kháng chiến cứu nước” (10). Hồ Chí Minh cũng viết thư cho đồng bào Công giáo ở An Phú và Văn Giáo  (Nghĩa Hưng, Nam Định): “ Tôi được biết rằng đồng bào đã bỏ sự ăn uống hàng năm, đem ruộng hậu và huê điền đấu giá được 3000 đồng giúp quỹ Mùa đông binh sĩ. Tôi thay mặt Chính phủ khen ngợi đồng bào và thay mặt chiến sĩ cảm ơn đồng bào” (11). Khi biết tin linh mục Nguyễn Bá Luật và ông Cao Triều Phát (Cao Đài) dũng cảm  tham gia kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 32/SL ngày 25/4/1949 thưởng Huân chương độc lập hạng nhì cho hai vị chức sắc tôn giáo này. Năm 1951, Linh mục Nguyễn Bá Luật ở trong vùng chiến khu khi đi làm phép cưới cho một đôi tân hôn bị giặc phục kích giết hại và cũng được truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Như vậy, Bác Hồ coi việc linh mục Nguyễn Bá Luật đi làm mục vụ cho giáo dân cũng là nhiệm vụ kháng chiến vì có đi làm nhiệm vụ mà hy sinh mới được coi là liệt sĩ. Điều này không chỉ nhân văn mà còn có ý nghĩa đại đoàn kết tôn giáo rất lớn. Vì làm cách mạng là phải quy tụ được dân. Làm mục vụ cho giáo dân chính là phục vụ dân, để quy tụ dân.

Tấm lòng của Bác Hồ đối với công tác thương binh liệt sĩ nơi đồng bào có đạo vẫn là gương sáng mà ngày nay chúng ta cần phải học tập và làm theo vì đó không chỉ là uống nước nhớ nguồn mà còn tranh thủ được sức mạnh của đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân để bảo vệ Tổ quốc thân yêu./.

Chú thích:

1-  Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG 2002, tr.105.

2- Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo,Huy Thông tuyển chọn và giới thiệu, Nxb CTQG 2004, tr.70-71.

3- Sdd, tr. 99; 4- tr.129; 5- tr.92-93; 6- tr.62; 8- tr. 98; 10 - tr.102;  11- tr. 100.

4- Báo Cứu quốc ngày 10-3-1946.

Nguồn: btgcp.gov.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi