Chủ Nhật, 5/1/2025
Cảnh giác với âm mưu lợi dụng “nhân quyền, dân chủ, tôn giáo” để tác động “Tự diễn biến” và “Tự chuyển hóa”

Âm mưu chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình” (DBHB) đã được chúng tiến hành từ nhiều thập kỷ qua nhằm làm cho tình hình chính trị ở Việt Nam mất ổn định để có cơ hội can thiệp vào nội bộ nước ta. Vì thế, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã dành nhiều thời gian, công sức “nghiên cứu”, “đúc kết” từ những cuộc xung đột chính trị xảy ra ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trong những năm qua gây ra nhiều hậu quả nặng nề mà đến nay người dân những nước đó vẫn chưa được hưởng một cuộc sống bình yên. Tình hình phức tạp, tranh giành quyền lực chính trị; mâu thuẫn lợi ích giữa các đảng phái, tôn giáo hay sắc tộc hoặc ngay trong nội bộ đảng cầm quyền ở các nước Đông Âu, Trung Đông và Bắc Phi chủ yếu “bắt nguồn” từ những cuộc “Cách mạng màu”, “Cách mạng đường phố”, “Mùa Xuân Ả-rập”,… Hậu quả việc bất ổn chính trị không chỉ là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia mà còn gây ra rất nhiều đau thương, bất hạnh cho nhân dân; thậm chí còn dẫn đến cảnh “huynh đệ tương tàn”, mâu thuẫn đến cực điểm giữa các dòng Hồi giáo ở một số quốc gia. Thực tế đã chứng minh điều này. Nỗi thất vọng lớn nhất của Mùa Xuân Ả-rập là Syria khi các cuộc biểu tình hòa bình chống đối Tổng thống Bashar al-Assad đã biến thành cuộc nội chiến thảm khốc với sự hậu thuẫn của một số nước lớn và các dòng Hồi giáo khác nhau. Cảnh “nồi da nấu thịt” ở quốc gia Trung Đông này đã cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người và buộc hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong hơn 5 năm qua với một cuộc sống vô cùng cơ cực. Những hậu quả, tác hại ghê gớm do sự bất ổn về chính trị gây ra đối với mỗi quốc gia, dân tộc là một bài học đắt giá không thể coi thường.

Mọi người cần hiểu rõ hơn mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị mà hướng trọng tâm thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động thường thực hiện chiến tranh tâm lý, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội và những vấn đề bức xúc trong đời sống Nhân dân để lôi kéo, kích động gây ra sự bất ổn trong cộng đồng. Chúng tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận Nhân dân với nhiều chiêu bài, như “hỗ trợ khiếu kiện”; “hỗ trợ nhân đạo”, đòi “tự do dân chủ”, “ngăn chặn, cản trở hoạt động tôn giáo”,… để tham gia cái gọi là “tổ chức hội, nhóm”, tham gia “tọa đàm, hội thảo...” và thông qua đó kích động những người bất mãn với xã hội viết bài xuyên tạc, bôi nhọ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ các cấp và “bồi dưỡng” rất cao. Họ cũng lợi dụng việc nhận thức hạn chế của một bộ phận Nhân dân ta để tìm cách kích động hoặc lợi dụng sự bức xúc trong đời sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; dùng các thủ đoạn tác động vào lợi ích trước mắt để dụ dỗ, mua chuộc với ý đồ gây sự hoài nghi về vị trí, vai trò, năng lực lãnh đạo đất nước của Đảng, từng bước tạo ra sự bất ổn về chính trị, tiến tới làm thay đổi chế độ chính trị. Tất cả những hoạt động của chúng vì chính lợi ích của bản thân họ và thực tế rõ ràng từ các cuộc “Cách mạng sắc màu” đã chứng minh điều đó.

Đảng ta đã từng chỉ ra những thách thức đang diễn ra gay gắt trên thế giới và khu vực, xuất hiện nhiều loại hình chiến tranh mới, rất đa dạng, như: Chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, chiến tranh ủy nhiệm, can thiệp quân sự từ bên ngoài kết hợp với các hoạt động “DBHB”, bạo loạn lật đổ từ bên trong,... Các thế lực thù địch cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, “bất đồng chính kiến” ở trong nước và nước ngoài tăng cường các hoạt động chống phá nước ta bằng chiến lược “DBHB” với nhiều thủ đoạn, hình thức hết sức tinh vi, thâm độc, nguy hiểm. Đáng tiếc và đáng trách một số người do nhận thức hoặc do cái tôi quá lớn bị kích động nên đã “thể hiện” trên một số trang mạng xã hội, viết và phát tán trên mạng internet với nhiều quan điểm sai trái, phê phán, xuyên tạc sự thật ở Việt Nam. Với “tinh thần đóng góp”, “xây dựng”, họ “kiến nghị” thay đổi Cương lĩnh của Đảng, từ bỏ đường lối sai lầm, đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng… Sự tiếp tay của họ cho các thế lực thù địch chính là hành động phản bội lại lợi ích dân tộc.

Có thể thấy rõ và khẳng định rằng, “kiến nghị” mà một số người đưa ra không có gì mới và hoàn toàn không đúng với thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước suốt 30 năm qua của Nhân dân ta. Chúng ta cũng không phủ nhận, trong nhiều năm qua, đất nước ta vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề kinh tế, xã hội chưa được giải quyết như: Xu hướng phân hóa giàu nghèo chưa được ngăn chặn và đẩy lùi; đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, miền núi,… còn nhiều khó khăn; tình trạng làm suy giảm lòng tin của Nhân dân mà Đảng ta không những không che dấu mà còn luôn chỉ rõ: Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng... Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” diễn biến phức tạp. Vì thế, Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng luôn thể hiện thái độ kiên quyết với những giải pháp cụ thể để ngăn chặn, đẩy lùi những sai trái xảy ra trong Đảng, nhất là biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” thông qua các hoạt động lợi dụng những vấn đề nhạy cảm như: nhân quyền, dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong bài phát biểu về nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ Tư (Khóa II), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, BCH Trung ương đã tập trung thảo luận, ra Nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách;… trước tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp có thể gây ra những hậu quả khôn lường mà chúng ta không thể chủ quan, coi thường.

Cũng phải nói thẳng rằng, nếu đi theo con đường mà một số người “trung thành” “kiến nghị” thì hậu quả đất nước sẽ như thế nào? Họ không hề quan tâm đến sự khác biệt giữa các quốc gia, dân tộc, vùng miền; giữa các nước ở phương Đông và phương Tây, cũng như đặc điểm văn hóa, chính trị, kinh tế, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền. Với văn hóa và lối sống phương Tây, họ muốn áp đặt lên các quốc gia, dân tộc đang phát triển “làn sóng văn hóa dân chủ, nhân quyền phương Tây”, trong đó có Việt Nam, bắt mọi người phải thừa nhận rằng, chỉ có “dân chủ, nhân quyền” phương Tây mới là hình mẫu chuẩn mực?. Vì thế, họ cũng cố tình xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “thiếu dân chủ”, “vi phạm nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, ngay cả trong khi chúng ta đã và đang làm tất cả những gì có thể được để đảm bảo quyền con người ngày càng tốt hơn như: Lấy ý kiến rộng rãi, công khai Nhân dân, chức sắc tôn giáo về Luật tín ngưỡng, tôn giáo hoặc Luật về Hội,… Thực chất, họ chỉ kiếm cớ để tuyên truyền sai lệch, nhằm kích động những phần tử bất mãn, phản động chống đối Đảng, Nhà nước ta, sự nghiệp đổi mới của Nhân dân ta.

Để phòng chống âm mưu “DBHB”, cán bộ, đảng viên và mọi người phải luôn cảnh giác để nhận ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong mỗi tổ chức, cá nhân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rõ nguy cơ này nên dạy, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Hồ Chủ tịch coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm”, một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Người khẳng định: “Người cán bộ có bản lĩnh là người rất trung thành, kiên định với sự nghiệp cách mạng, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi. Đó cũng là người biết tùy cơ ứng biến, hết sức sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên đều phải tự phê bình và phê bình, sửa chữa khuyết điểm của mình, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà phê bình hoặc “chờ xem”, coi như mình không có gì khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng là một bộ phận của xã hội cũng không tránh khỏi những tập tục, tính nết, khuyết điểm, thói xấu của xã hội lây ngấm vào. Thực tế cho thấy, trong Đảng không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay…”. Trong tình hình hiện nay, những lời chỉ dạy của Hồ Chủ tịch vẫn còn nguyên giá trị để mỗi cán bộ, đảng viên một mặt phải suy ngẫm, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng sự rèn luyện bản thân, tu dưỡng phẩm chất của mình, mặt khác phải kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng để làm cho Nhân dân tin tưởng. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh vạch trần các quan điểm tư tưởng sai trái thù địch, bịa đặt, bóp méo sự thật cũng chính là góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng và Nhà nước ta trước những biến động phức tạp trên thế giới và trong nước; đồng thời tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch, làm thất bại mọi âm mưu “DBHB” của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta./.

Nguồn: bienphongvietnam.vn, ngày 5/6/2017

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất