Thứ Sáu, 3/1/2025
Khơi dậy tinh thần hiếu đạo

 Nghi thức bông hồng cài áo trong Lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan - báo hiếu là một truyền thống tốt đẹp trong giáo lý nhà Phật. Năm tháng trôi qua, đạo hiếu ấy đã nhập thế trở thành nền tảng luân lý đạo đức và truyền thống văn hóa dân tộc.Trong cuộc sống thường nhật, người Việt Nam có truyền thống lễ nghĩa, kính trọng người cao tuổi, thờ tự gia tiên và những người đã khuất, mở rộng ra là truyền thống báo ân Tổ quốc, cội nguồn.

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Lễ Vu Lan trong các ngôi chùa đã trở thành truyền thống của Phật giáo hàng thế kỷ nay. Điều này đã được ghi chép lại trong các bộ kinh của nhà Phật. Đạo Phật đề cao bốn ân đức, đó là ân cha mẹ, ân Tổ quốc, ân thầy dạy đạo và ân chúng sinh.Trong đó ân báo hiếu là quan trọng bậc nhất, vì có cha mẹ mới có hình hài chúng ta trên cõi đời này, và có cái thân này chúng ta mới có thể thực hiện các trọng ân khác trong cuộc đời.

Vài năm trở lại đây, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Lễ Vu Lan với chủ đề “Đạo Hiếu và Dân tộc”. Trong đó có nêu những tấm gương hiếu hạnh của mọi người, mọi tầng lớp và nêu rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Và Lễ Vu Lan không chỉ là báo hiếu với công dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, nghĩ đến công ơn, công đức của ông bà tổ tiên mà còn nghĩ đến cả quốc gia, xã hội.

Đặc biệt Lễ Vu Lan tháng 7 cũng rất gần với ngày 27-7 – Ngày Thương binh- liệt sĩ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người dân Việt Nam. 

“Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công việc này. Chúng tôi đã kết hợp Phật giáo và dân tộc. Trong Phật giáo có tri ân, báo ân, trong dân tộc có đạo hiếu, có đền ơn đáp nghĩa. Từ đó, chúng tôi muốn phát huy giá trị đạo hiếu của dân tộc, của Phật giáo. Đạo hiếu của Phật giáo cũng như đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc cần được phát huy tốt nhất, để sự tốt đẹp trong xã hội ngày càng được nhân lên.Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu càng cần phải được khơi dậy và đề cao, để nó trở thành sức mạnh của dân tộc” - Hoà thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh.

Hòa thượng Thích Gia Quang cũng lưu ý, hiện nay, trong xã hội có nhiều nghịch cảnh, nhiều câu chuyện đau lòng, có người vì mải lo công việc, danh – lợi đã quên đi bổn phận làm con. Hoặc có những nhận thức sai lạc trong việc ứng xử với cha mẹ. Có kẻ mải lo kiếm tiền, và chỉ nghĩ cứ gửi tiền cho cha mẹ là hoàn thành nghĩa vụ. Có không ít con cái gửi cha, mẹ mình vào viện dưỡng lão thuê người chăm sóc. Cũng có con cái bỏ cha mẹ cô đơn tuổi già, hay có cách hành xử khiến bậc sinh thành đau lòng. Chính vì lẽ đó, rất cần xây dựng những “kháng thể” của văn hóa tâm linh dân tộc để hạn chế sự bất hiếu. Để hướng con người ta sống tốt đẹp hơn.

Lễ Vu Lan không phải là một nghi lễ báo hiếu cha mẹ bằng cách đốt nhiều vàng mã, kính biếu trả ơn cha mẹ mà cần phải nhắm vào mục đích giáo dục truyền thống hiếu dưỡng cha mẹ cho mọi người. Tổ chức như thế nào để truyền tải được hết ý nghĩa của báo hiếu, báo ân để Phật tử, mỗi người dân hiểu đúng ý nghĩa của Lễ Vu Lan thì đó là cách tổ chức thiết thực nhất. Chúng ta trong mỗi phút giây hãy nghĩ đến cha, mẹ, trong hoàn cảnh nào cũng phải ý thức rõ bổn phận làm con..

Hòa thượng Thích Gia Quang cũng chia sẻ, dịp lễ Vu Lan, khi đến chùa sư thầy sẽ tặng cho mỗi người một bông hoa cài áo. Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ - Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm. Vu Lan là dịp đặc biệt để chúng ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn…    

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức chương trình Đại lễ Vu Lan “Đạo hiếu và Dân tộc” năm 2017, Phật Lịch 2561, truyền hình trực tiếp vào 19h45 ngày 30-8-2017 (9-7 Đinh Dậu) tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Chương trình là hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII; Kỷ niệm 72 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam;  Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7; mùa Vu Lan báo hiếu PL.2561. Mục đích của chương trình chính là tôn vinh, đề cao đạo hiếu trong đạo Phật cũng như trong văn hóa dân tộc. Mong sao tinh thần hiếu đạo sẽ trở thành hơi thở, nhịp sống trong mỗi gia đình và trong trái tim mỗi người Việt Nam. 

 

Nguồn: daidoanket.vn, ngày 12/7/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất