Thứ Sáu, 3/1/2025
Đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam hiện nay - Một số giải pháp cơ bản

 Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuộc gặp mặt đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam

 

Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Với vị trí có đường bờ biển, Việt Nam rất thuận lợi trong mối giao lưu với các nước trên thế giới về văn hóa và tôn giáo.

Về mặt dân cư, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em. Mỗi một dân tộc có tín ngưỡng tôn giáo riêng. Người Việt thờ cúng tổ tiên, thờ Thành Hoàng làng, thờ những người có công với cộng đồng, của cư dân nông nghiệp lúa nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số theo Tô tem giáo, Bái vật giáo, Sa man giáo.

Với loại hình đa tôn giáo, ở nước ta hiện nay có 6 tôn giáo ngoại nhập và 6 tôn giáo nội sinh với 33 tổ chức đã được công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động hợp pháp dưới sự bảo hộ của pháp luật. Các tôn giáo ngoại nhập vào Việt Nam là Phật giáo, Đạo Công giáo, Đạo Hồi, Đạo Tin lành, Đạo Minh Sư, Đạo Baha’i.    

Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, là tôn giáo chủ trương bình đẳng con người, giải thoát con người khỏi khổ đau thông qua việc con người phải tu học, nâng cao nhận thức về chính mình và thế giới, dần dứt bỏ tiến tới đoạn tuyệt tham lam, ngu dốt, sân hận để thực hiện cuộc sống trong sự ôn hoà, đoàn kết, tương trợ nhau để cùng đạt tới hạnh phúc, an lạc. Phật giáo tới Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Hiện nay “Phật giáo ở Việt Nam có trên 10 triệu tín đồ, gần 17 nghìn ngôi chùa, 45 nghìn nhà sư”(1). Có thể nói, Phật giáo là tôn giáo yêu nước đồng hành cùng dân tộc.

Đạo Công giáo (có nguồn gốc từ Kitô giáo) ra đời ở phía Đông đế quốc La Mã cổ đại vào thế kỷ I Công nguyên, tới thế kỷ XI, Kitô giáo phân chia thành hai phái: Công giáo và Chính thống giáo. Công giáo có tổ chức chặt chẽ, có giáo quyền, đứng đầu là Giáo hoàng ở Rôma và đó cũng là người đứng đầu Giáo triều Rôma chi phối hoạt động của tín đồ Công giáo trên thế giới. “Đạo Công giáo vào Việt Nam từ năm 1533 do các giáo sĩ phương Tây truyền vào. Công giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ xếp thứ hai ở Việt Nam sau Phật giáo, hiện nay với gần 6 triệu tín đồ, 01 Hồng y, 43 Giám mục, 3.462 linh mục cai quản 3.100 giáo xứ”(2). Công giáo ở Việt Nam thực hiện phương châm “kính chúa yêu nước”, tuyệt đại đa số chức sắc, tín đồ là công dân tốt thực hiện sống “tốt đời đẹp đạo” .

Đạo Hồi  ra đời ở Ảrập vào đầu thế kỷ thứ VII. Hồi giáo truyền vào khu vực Đông Nam Á từ thế kỷ thứ XI, XII, theo các nhà buôn, theo con đường hoà bình, khác với thời kỳ thánh chiến trước đó. Đông Nam Á là một trong những khu vực Hồi giáo phát triển, ước tính hơn 60% dân số các quốc gia khu vực này theo Hồi giáo. Tại Việt Nam, tỷ lệ người theo Hồi giáo không nhiều, chỉ có người Chăm theo Hồi giáo, “hiện có 4 tổ chức, với số lượng gần 70 nghìn tín đồ chủ yếu ở: Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai”(3). Hồi giáo ở Việt Nam là tôn giáo hòa nhập với xã hội, trong thời gian gần đây mới có giao lưu với Hồi giáo trong khu vực và quốc tế.

Đạo Tin lành vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX. “Trước năm 1975, ở miền Bắc, Tin lành có vài nghìn tín đồ với 20 mục sư, miền Nam hơn 200 ngàn tín đồ với 500 mục sư. Tới năm 2009, Việt Nam có 9 tổ chức Tin lành được công nhận tư cách pháp nhân với trên 980 nghìn tín đồ với 749 chức sắc”(4). Xuất phát Tin lành là sản phẩm của xã hội công nghiệp phát triển nhưng hiện tại Tin lành đang rất tích cực phát triển ở vùng sâu, miền núi của Việt Nam.

Đạo Minh Sư (Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo Việt Nam) là tôn giáo thờ đa thần, có nguồn gốc từ Trung Quốc, truyền vào Việt Nam từ năm 1863, hoạt động theo tôn chỉ “Từ bi - Giác ngộ - giải thoát” hiệp nhất tinh hoa của ba tôn giáo lớn Nho - Phật - Lão. Hiện “Minh Sư đạo có khoảng một vạn tín đồ hoạt động ở 18 tỉnh, thành phố với 52 Phật đường”(5).

Đạo Baha’i  là tôn giáo nhất thần thờ Thượng đế, ra đời năm 1863 tại Ba Tư (nay là I-ran), chủ trương của đạo Baha’i là xoá bỏ hận thù mâu thuẫn, xây dựng sự cảm thông và hợp tác, xoá bỏ đói nghèo và sự tích lũy quá mức. Năm 2010, Baha’i giáo đã có trên 7 triệu tín đồ ở 235 quốc gia và vùng lãnh thổ. Baha’i giáo được truyền vào Việt Nam từ năm 1954 tại Sài Gòn, tới nay có mặt ở 45 tỉnh, thành phố với số lượng khoảng 7.000 tín đồ(6). Cộng đồng Baha’i Việt Nam có quan hệ mật thiết với cộng đồng Baha’i quốc tế.

Ngoài ra còn có các tôn giáo nội sinh như  Đạo Bửu Sơn kỳ hương ra đời năm 1849 tại Tây An cổ tự, Chợ Mới, An Giang; Đạo Tứ ân hiếu nghĩa ra đời tháng 5-1867 tại Cù lao Ba, An Phú, An Giang; Đạo Minh Lý (còn gọi là Minh lý đạo - tam tông miếu) ra đời năm 1924 tại miền Nam; Đạo Cao đài ra đời 15-10-1926 (AL) tại Tây Ninh; Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam ra đời năm 1934 tại Sa Đéc Đồng Tháp; Phật giáo Hoà Hảo có nguồn gốc giáo lý từ đạo Phật nhưng được lược hoá, địa phương hoá cho phù hợp với trình độ lối sống của người dân địa phương. Phật giáo Hoà Hảo ra đời năm 1939 tại làng Hoà Hảo, Tân Phú, An Giang(7).

Từ phân tích thực trạng tôn giáo hiện nay ở Việt Nam, chúng ta thấy được sự khác biệt từ nguồn gốc, cơ sở đức tin cho tới lịch sử quá trình tồn tại và phát triển,... đã nói lên tính đa dạng và phức tạp trong cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam. 

Hiện nay, công cuộc xây dựng CNXH của nước ta đang đứng trước nhiều thử thách. Các thế lực thù địch chống đối Việt Nam đã công khai ý đồ chuyển hoá chế độ chính trị ở Việt Nam. Chúng triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc để chống phá ta. Mục tiêu cuối cùng của chúng là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xoá bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.

Trào lưu dân chủ hoá và toàn cầu hoá đang tạo cơ hội cho các tôn giáo cũ phục hồi, các tôn giáo mới du nhập và nhiều biến tướng tôn giáo phát sinh. Các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động sôi động của các tôn giáo trong và ngoài nước để kích động gây mâu thuẫn tôn giáo để chống phá nước ta. Trước thực tế ấy, đoàn kết tôn giáo trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi thực tế tôn giáo ở Việt Nam hiện nay vẫn tiềm ẩn không ít những phức tạp, như vấn đề Tin lành Đề-ga ở Tây Nguyên, Tin lành ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; đất đai tôn giáo nhất là đất liên quan tới nhà thờ Công giáo; công nhận chia tách sáp nhập tổ chức tôn giáo...


 Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các chức sắc tôn giáo

Để tăng cường đoàn kết tôn giáo ở nước ta hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức tư tưởng về vấn đề đoàn kết tôn giáo trong tình hình mới

Cần nâng cao nhận thức tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng theo tôn giáo về ý nghĩa, vai trò của công tác đoàn kết tôn giáo trong thời kỳ mới. Mặc dù đất nước ta đang trong thời kỳ hoà bình, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, nhưng các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm mọi thủ đoạn để chống phá sự nghiệp đổi mới và cuộc sống hoà bình thống nhất của dân tộc ta. Do vậy, đồng bào các tôn giáo, các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng mới tạo ra sức mạnh tổng hợp để đưa nước ta thoát khỏi tình trạng lạc hậu, nghèo nàn, vươn lên sánh vai với các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, về công tác tôn giáo đến đồng bào tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, trước hết là đối với chức sắc trong các tôn giáo để họ hiểu sâu sắc và toàn diện về tình hình đất nước; trao đổi dân chủ và thẳng thắn, sẵn sàng tiếp thu ý kiến và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của họ. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để họ hoạt động tôn giáo theo khuôn khổ của pháp luật, thực hiện tốt đời, đẹp đạo.

Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới.

Hai là, bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Văn kiện Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII nêu rõ: Tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của dân, đảm bảo cho các tôn giáo hoạt động bình thường trên cơ sở tôn trọng pháp luật, nghiêm cấm xâm phạm tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Quan điểm của Đảng về tôn giáo được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do, tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”(8).

Mối quan hệ giữa Nhà nước với các tôn giáo ở Việt Nam đã tìm được sự đồng thuận, gắn bó tôn giáo với xã hội (Đạo - Đời). Phương châm hành đạo của các tôn giáo đã phản ánh rõ điều đó. Phật giáo: Đạo giáo, Dân tộc và CNXH. Công giáo: Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào. Tin Lành: Sống phúc âm, phụng Thiên Chúa, Phục vụ Tổ quốc. Cao Đài: Nước vinh, Đạo sáng. Hòa Hảo: Phụng đạo yêu Nước, gắn bó với Dân tộc.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo và vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về tôn giáo trong bối cảnh hiện nay.

Những năm qua, cùng với việc kiện toàn Ban Tôn giáo các cấp, nhiều địa phương đã bổ sung, tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo. Song thực tế cho thấy, đa số cán bộ làm công tác tôn giáo chưa được đào tạo cơ bản, hệ thống về công tác tôn giáo. Do vậy, các cấp ủy, chính quyền phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo, giúp họ có kiến thức cơ bản về tôn giáo, tín ngưỡng, nắm vững pháp luật về tôn giáo để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thực tiễn cho thấy, trong những năm gần đây, việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo, in ấn, xuất nhập, lưu hành kinh sách, sử dụng đất đai làm cơ sở thờ tự còn khá tùy tiện. Vẫn còn tình trạng lợi dụng tôn giáo để tiến hành các hoạt động gây phương hại đến khối đại đoàn kết dân tộc. Như vụ việc Linh mục Nguyễn Văn Khải (giáo xứ Thái Hà) đã lợi dụng tự do tôn giáo kích động giáo dân đòi khu đất ở 178 Nguyễn Lương Bằng...

Như vậy, quản lý hoạt động của các tôn giáo bằng pháp luật là yêu cầu khách quan. Nhà nước tiến hành quản lý, giám sát việc quán triệt, thực thi pháp luật, pháp quy và chính sách liên quan đến tôn giáo. Nhà nước căn cứ vào luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá tổ chức tôn giáo, cơ sở vật chất của tôn giáo, các nghi lễ tôn giáo, cùng với chức sắc và tín đồ tôn giáo... phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các phần tử không tuân thủ pháp luật lợi dụng tôn giáo hoạt động gây rối... Bởi vậy, quản lý tôn giáo bằng pháp luật là không trái với chính sách tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, là đòi hỏi của việc duy trì ổn định đoàn kết và lợi ích của nhân dân.

Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Các bộ phận của hệ thống chính trị cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong đó Đảng nêu chủ trương đường lối đúng, Nhà nước ban hành chính sách pháp luật để thực hiện sự quản lý đối với tôn giáo, các đoàn thể và Mặt trận có trách nhiệm vận dộng quần chúng tín đồ và chức sắc các tôn giáo cùng nhau xây dựng đất nước.

Bốn là, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo

Chăm lo đến phần đời của đồng bào có đạo chính là chăm lo đến đời sống vật chất và cả đời sống tinh thần của đồng bào. Hiện tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, việc đồng bào Tây nguyên theo đạo Tin lành với số lượng lớn trong thời gian ngắn có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về đời sống kinh tế khó khăn, đời sống tinh thần nghèo nàn. Theo số liệu thống kê năm 1999 (năm có số lượng đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên theo đạo Tin lành ồ ạt), “tỷ lệ đói nghèo ở các tỉnh tính theo hộ gia đình, tỉnh Hoà Bình số hộ nghèo đói là: 55,7%; Kon tum: 54,4%; Quảng Bình: 46%; Gia Lai: 44,85%; Lai Châu: 42,4%; Sơn La: 40%, một số huyện thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên có tỷ lệ hộ nghèo đói rất cao từ 60 - 70%”(10).

Vì vậy, Đảng, Nhà nước cần có sự quan tâm và đầu tư đặc biệt hơn nữa để đồng bào theo đạo có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước đối với đồng bào tôn giáo nói chung và đồng bào tôn giáo ở các vùng dân tộc và miền núi nói riêng cần phải sát hợp với yêu cầu cụ thể, bức thiết của nhân dân địa phương và phải được quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, hoặc không có hiệu quả.

Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu vực đồng bào có đạo. Xây dựng điển hình tiên tiến và các tấm gương tiêu biểu trong phong trào để tuyên truyền, nhân rộng trong nhân dân.

Tăng cường tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở và trao đổi kinh nghiệm giữa các khu dân cư có đạo để tạo thêm hiểu biết và đoàn kết giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là, thực hiện bình đẳng giữa các tôn giáo, giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo đạo

Coi trọng sự bình đẳng của những người có tín ngưỡng tôn giáo hay không có tín ngưỡng tôn giáo trước pháp luật, lợi ích của tôn giáo phải thống nhất và phục tùng lợi ích của Nhà nước. Cộng đồng tôn giáo nằm trong cộng đồng dân tộc. Tôn trọng sinh hoạt tôn giáo, nhưng cần phê phán kịp thời những hành vi tôn giáo trái pháp luật, đi ngược lại văn hoá, phản đạo đức, có hại đến tính mạng con người, khích bác các tôn giáo khác hoặc chia rẽ nội bộ dân tộc, chống các âm mưu lợi dụng tôn giáo để phá hoại cách mạng, gây rối an ninh, trật tự xã hội của các lực luợng thù địch trong và ngoài nước. Đồng thời, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ tham gia quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tôn giáo.

Để tăng cường đoàn kết tôn giáo, phải làm tốt công tác vận động quần chúng, đưa quần chúng tham gia trực tiếp vào công cuộc xây dựng đời sống mới, xoá bỏ hàng rào ngăn cản giữa người có đạo và không có đạo; làm cho các tín đồ và chức sắc nhận rõ âm mưu và thủ đoạn đen tối của bọn phản động, tự đấu tranh chống lại chúng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng chính đáng của mình, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Sáu là, kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực trong tôn giáo và đập tan âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng của lực lượng thù địch

Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo, mọi hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, và đều có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tự do tín ngưỡng tôn giáo không có nghĩa là hoạt động tôn giáo nằm ngoài khuôn khổ pháp luật, đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tự do tín ngưỡng không có nghĩa là ép buộc người khác bỏ đạo hoặc theo đạo. Tự do không theo hoặc theo một tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, cần phải được tôn trọng và bảo vệ không chỉ trong Hiến pháp, mà ngay cả trong thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, trong khi thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, Đảng, Nhà nước kiên quyết đấu tranh chống mọi sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

_________________

(1), (3), (4), (6), (7) Bùi Hữu Dược:Đoàn kết tôn giáo để thực hiện sự nghiệp xây dựng đất nước, (2015), Website Ban Tôn giáo Chính phủ.

(2) Phương Liên, Website ban Tôn giáo Chính Phủ.

(5) Wikipedia - Minh sư đạo.

(8) Hiến pháp 2013, Điều 24, Chương II.

 

Nguồn: lyluanchinhtri.vn, ngày 10/7/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất