Nội dung tuyên truyền, tập huấn về một số vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo trợ xã hội, giáo dục mầm non, phòng chống ma túy, HIV/AIDS...
Sóc Trăng là tỉnh có nhiều tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành Việt Nam, 5 hệ phái Cao Đài, Hòa Hảo, Tịnh Độ Cư Sĩ, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương… Theo thống kê, tỉnh Sóc Trăng có 330 cơ sở thờ tự với trên 632.000 người theo các tôn giáo; trong đó có 585 chức sắc, trên 2.300 nhà tu hành.
Những năm qua, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã cùng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Nhiều cơ sở thờ tự không chỉ có chức năng lễ nghi, thờ cúng mà các tôn giáo còn sử dụng vào hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo. Sóc Trăng có 18 nhà thờ nuôi, dạy trẻ theo chương trình giáo dục mầm non; có 2 trường mầm non ngoài công lập thuộc nhà thờ nuôi dạy gần 1.000 trẻ. Ngoài ra, các chùa Khmer luôn ưu tiên nhiều phòng học cho học sinh mẫu giáo không có điều kiện đi học tại các trường trung tâm và hiến đất xây trường, lớp, hỗ trợ vật chất cho trẻ em nghèo, khuyết tật.
Hiện nay, Sóc Trăng có 13 cơ sở thờ tự đăng ký khám chữa bệnh từ thiện, tạo điều kiện cho bệnh nhân nghèo chỗ ăn miễn phí khi chữa bệnh. Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng có 17 cơ sở thờ tự thực hiện bảo trợ xã hội, đang chăm sóc và nuôi dưỡng 165 người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật… Thời gian qua, những hoạt động của các cá nhân, tổ chức tôn giáo đã góp phần đa dạng việc huy động nguồn lực xã hội cho công tác xã hội; giảm bớt khó khăn, làm vơi nỗi đau về thể xác và tinh thần cho người thụ hưởng…
Ông Mai Thanh Tùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các tổ chức tôn giáo cấp tỉnh về phát triển giáo dục mầm non; hoạt động bảo trợ xã hội, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong… giai đoạn 2016 – 2020. Hội nghị là dịp để nâng cao nhận thức, vai trò của các tổ chức tôn giáo về chủ trương, chính sách về giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội; từ đó tích cực đôn đốc các tổ chức tôn giáo cơ sở tham gia cùng địa phương thực hiện tốt các nội dung đã ký kết.
Nguồn: TTXVN, 18/8/2017