Thứ Ba, 7/1/2025
Đêm tôn vinh những tấm gương Đạo hiếu tiêu biểu năm 2017

 Chương trình cũng đã tôn vinh những tấm gương đạo hiếu,
đó là những người có những hành động hiếu thảotrên khắp mọi miền Tổ quốc

Tối 31/8, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình Đại lễ Vu Lan “Đạo hiếu và Dân tộc” năm 2017.

Tới dự buổi lễ có bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước XHXHCN Việt Nam; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL; ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực - Ban tôn giáo chính phủ.

Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có sự tham dự của Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS), Trưởng Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN; Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Thượng tọa Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN cùng đông đảo đại biểu, phật tử và nhân dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Gia Quang, Trưởng Ban tổ chức chương trình, cho biết: Vu lan chính là sự kế thừa và phát triển của đạo lí uống nước nhớ nguồn, truyền thống tốt đẹp đã được dân tộc ta gìn giữ suốt hàng ngàn năm lịch sử. Báo đáp tứ ân bắt nguồn từ đạo hiếu chính là nền tảng của Đạo Phật và cũng là đạo của dân tộc Việt Nam. Trong văn hóa dân tộc Việt Nam, ý nghĩa hiếu đạo được xem là một di sản quý báu, một chất liệu sống tốt đẹp được mọi người trân quý và giữ gìn. Khi Phật giáo xuất hiện ở Việt Nam thì đạo hiếu dân và đạo đức Phật giáo hòa quyện vào nhau và được nhân dân tiếp nhận một cách dễ dàng.

Theo Hòa thượng, ai cũng mang ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, mang ơn những người có công với cộng đồng, quê hương đất nước. Trong cuộc sống thường nhật, người Việt Nam có truyền thống lễ nghĩa kính trọng người cao tuổi, thờ tự gia tiên và kính trọng người đã khuất, mở rộng ra là truyền thống báo ân tổ quốc, cội nguồn.

“Ngày nay, lễ Vu lan đã trở thành lễ hội chung cho tất cả những ai cùng hướng về nguồn cội thiêng liêng, mà gần nhất là hình ảnh của cha và mẹ. Vu lan là nhịp cầu yêu thương được kết nối từ quá khứ, tới hiện tại và tương lai. Chúng ta không chỉ nhớ ơn những người cưu mang mình mà còn biết ơn những người đã khuất, những người đã hi sinh xương máu cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, để đất nước được thái bình, no ấm,” Hòa thượng phát biểu tại buổi lễ.

Ông Bùi Thanh Hà, Phó trưởng Ban thường trực, Ban Tôn giáo Chính phủ, khẳng định: Lễ Vu lan trong truyền thống của Phật giáo từ lâu đã trở thành lễ hội lớn không chỉ của riêng của những người con Phật, không thuần túy mang ý nghĩa tôn giáo mà đã trở thành lễ hội văn hóa, thấm đẫm tình người, phù hợp với truyền thống uống nước nhớ nguồn. Mùa Vu lan về cũng là dịp để mỗi người chúng ta tưởng nhớ tri ân, báo ân với các bậc tiền nhân, ông bà tổ tiên, các đấng sinh thành và rộng ra là Quốc gia và xã hội.


 Nghi thức đặc biệt "bông hồng cài áo" tại Lễ Vu lan 2017

Trong khuôn khổ chương trình, đông đảo phật tử và nhân dân cũng đã được nghe Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chia sẻ về lịch sử, ý nghĩa của đạo Hiếu cũng như những phẩm hạnh, cốt cách tốt đẹp của con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, khán giả còn được giao lưu với Thượng tọa Thích Minh Thông, cũng chính là người lính Võ Đình Tọa, người sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để gìn giữ những giá trị của Phật giáo tại Huế và Quảng Bình.

Chương trình cũng đã tôn vinh những tấm gương đạo hiếu, đó là những người có những hành động hiếu thảo, trên tiêu chí tiêu ân của đạo phật, ân tam bảo, ân quốc gia xã hội, ân cha mẹ, ân sinh trưởng và ân chúng sinh vạn loại./.

Nguồn: phapluatplus.vn, ngày 01/9/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất