Thứ Bảy, 4/1/2025
Nhân lên truyền thống "tốt đời đẹp đạo" trong đồng bào Công giáo tỉnh Quảng Ninh

 Người Công giáo huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) tham gia sinh hoạt tôn giáo

Làm giàu không quên bác ái

Gia đình ông Long, ông Ký ở giáo xứ Đông Khê (thị xã Đông Triều) là một trong những điển hình của phong trào cải tạo vườn tạp để chuyển sang chuyên canh bưởi diễn, na dai… Những ngày đầu dò đường tìm cách làm giàu, ông Long không khỏi lo lắng bởi những loại cây trái vốn là đặc sản của nơi khác nay trồng tại địa phương mình không biết có phù hợp hay không. Hơn nữa, lâu nay vườn nhà chỉ để cây phát triển tự nhiên, chẳng theo kỹ thuật nào. Nay đầu tư chuyên canh không thể làm tùy tiện được. Qua thời gian tìm hiểu kỹ thuật, ông Long đã yên tâm hơn khi thấy cây phát triển tốt, rồi ra những lứa quả đầu tiên có chất lượng cao. Khoảng 3 năm nay, gia đình ông đã thu hoạch ổn định nhiều loại trái cây, đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. “Trước đây cả khu vườn rộng chỉ toàn là những cây tạp, nhiều chỗ bỏ hoang, không mang lại thu nhập cho gia đình. Nhờ chuyển sang chuyên canh cây ăn trái, mấy năm nay vườn tạp đã thành "vườn kinh tế", đem lại niềm vui cho gia đình”, ông Long chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của ông Long, ông Ký, trong thời gian chờ na, bưởi, thanh long sinh trái có thể trồng xen canh một số cây thời vụ để lấy ngắn nuôi dài trang trải chi phí.

Từ thành công của vài hộ, đến nay, mô hình cải tạo vườn tạp đã lan tỏa ra nhiều xứ đạo như Đông Tân, Đông Khê (huyện Đông Triều), Cẩm Phả (thị xã Cẩm Phả)... Mô hình này cùng với việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang xen canh lúa, cá, phát triền chế biến hải sản tại những xứ đạo khác đang làm chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần làm khởi sắc kinh tế trong đồng bào Công giáo.

Bên cạnh, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, giáo dân còn thường xuyên làm việc bác ái, từ thiện, đó là nét đẹp từ bao đời nay đã làm nên truyền thống sống tốt đời đẹp đạo trong thi đua yêu nước nơi xứ đạo. Nhiều giáo dân đã nhận đỡ đầu để giúp đỡ gia đình nghèo khó khăn, nhiều hội đoàn của giáo xứ đã đỡ đầu các cháu hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập; các linh mục và Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh phối hợp vận động, hỗ trợ xây mới 12 nhà Đại đoàn kết giúp hộ nghèo… Tính chung trong 5 năm (2012-2017), đồng bào Công giáo đã ủng hộ trên 2,9 tỷ đồng, 13,4 tấn gạo và nhiều vật dụng, nhu yếu phẩm khác vào quỹ: Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, Bảo trợ trẻ em, Cứu trợ thiên tai, Khuyến học…

“Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt”

Thực hiện Huấn từ của Giáo hoàng Benedict XVI: “Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt”, đồng bào Công giáo luôn thực hiện tốt chính sách pháp luật, đoàn kết cùng nhân dân để bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhiều xứ đạo đã xây dựng mô hình tổ tự quản, tổ liên gia, tổ hòa giải để giữ bình yên nơi quê hương, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm. Tại xứ đạo Trà Cổ (Tp.Móng Cái), giáo dân đã phát huy tốt phong trào 5 không (không trộm cắp, không cờ bạc, không nghiện hút, không tham gia mại dâm; không tàng trữ, buôn bán chất ma túy) và phối hợp với bộ đội biên phòng bảo vệ an ninh biên giới. Giáo dân xứ đạo Đông Tân (thị xã Đông Triều) làm nghề đánh bắt hải sản thường xuyên phối hợp với bộ đội biên phòng để phát hiện, cung cấp nguồn tin giúp cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn tội phạm…

Trong sinh hoạt tôn giáo, các xứ đạo đều tuân theo Pháp lệnh Tín ngưỡng- tôn giáo (nay là Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo). Các ban, ngành cũng quan tâm giải quyết kịp thời nhiều nhu cầu chính đáng của giáo dân, vì thế quan hệ giữa chính quyền và giáo xứ ngày càng hài hòa để cùng chăm lo việc đời, việc đạo. Tính riêng từ năm 2014 tới nay, chính quyền đã cấp đất, giải quyết thủ tục xây mới nhà thờ cho nhiều giáo họ: Thất Tinh (Tp.Uông Bí), Hà Khẩu (Tp.Hạ Long), Tràng Bạch (thị xã Đông Triều), Thanh Lân, Cô Tô (huyện Cô Tô)… Đã có 33 cá nhân trong đó có 5 linh mục được Công an tỉnh khen thưởng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (2012-2017).

Ông Đinh Quang Trung - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết: chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng - tôn giáo, cũng như sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với nguyện vọng chính đáng của giáo dân cùng với việc hướng dẫn và phát động các phong trào của Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo chính là nguồn khích lệ nhân lên truyền thống sống tốt đời đẹp đạo trong đồng bào Công giáo, qua đó góp phần tích cực vào việc xây dựng quê hương, xứ đạo.

Trong những năm tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền đường hướng “Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt” trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” và chính sách của địa phương, phấn đấu 5 năm tới, có khoảng 70% hộ giáo dân giàu và khá, không còn hộ nghèo.

Phong trào yêu nước của đồng bào Công giáo Quảng Ninh hình thành rất sớm, từ phong trào đấu tranh của thợ mỏ năm 1936. Nhiều xứ đạo từng là cơ sở cách mạng như: Yên Trì (huyện Yên Hưng), Trà Cổ (Móng Cái); Hòn Gai (Tp.Hạ Long)... Ban liên lạc Những người Công giáo Quảng Ninh yêu nước (thành lập ngày 11/3/1955) là tiền thân của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Ninh. Trải qua 6 kỳ đại hội, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Ninh đã làm lan tỏa phong trào thi đua yêu nước nơi đồng bào Công giáo, với những mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế, tăng cường đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh trật tự…”, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Ninh Đinh Quang Trung cho biết.

 

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 16/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất