Thứ Sáu, 19/4/2024
Từ tình thương đối với người nghèo

 Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế
trao quà hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai.

Khi đời sống của người dân phát triển chưa đồng đều về kinh tế và văn hóa, cứu tế an sinh là công việc thiết thực. GHPG tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm tốt những hoạt động về y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội và nhiều hoạt động cứu tế an sinh. Ban Từ thiện GHPG tỉnh tổ chức nhiều chuyến đi cứu trợ, khám, chữa bệnh ở các vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, khi có thiên tai, lũ lụt, Giáo hội còn tổ chức quyên góp, vận động từ các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước để cứu trợ kịp thời đồng bào nghèo. Nhiệm kỳ 2012 - 2017, Giáo hội huy động được hơn 105 tỷ đồng từ hoạt động từ thiện, xã hội, nhằm góp phần cùng Nhà nước chăm lo cuộc sống của người dân, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giáo dục, y tế..., và góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Năm nay, Ban từ thiện GHPG tỉnh đã tổ chức các đoàn đi cứu trợ các đối tượng người nghèo, mồ côi, tàn tật, người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện trong dịp Tết, mùa Phật đản, Vu lan… với số tiền gần bốn tỷ đồng. Những ngày qua, hướng về đồng bào bị thiệt hại do thiên tai ở các tỉnh miền trung, Đoàn từ thiện của Giáo hội đã tổ chức các chuyến cứu trợ đến thăm hỏi và trao 3.100 suất quà tặng người dân tại các huyện: Tuyên Hóa, Quảng Trạch (Quảng Bình); Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 12 với tổng trị giá gần hai tỷ đồng. Ni trưởng Thích Nữ Như Minh, cố vấn Ban Trị sự GHPG tỉnh cho rằng: "Hoạt động của Giáo hội cùng tăng ni, phật tử xuất phát từ tình thương đối với người nghèo và sự cúng dường Đức Phật theo đường hướng từ bi cứu khổ, vô ngã vị tha, nhập thế hành đạo”.

Đối với các hoạt động phật sự về từ thiện xã hội, GHPG tỉnh đã chú trọng chăm lo xây dựng các cơ sở như hệ thống các Tuệ Tĩnh đường, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, cơ sở dạy nghề, lớp mẫu giáo tình thương. Tại TP Huế, có hai Tuệ Tĩnh đường lớn là Hải Đức và Liên Hoa. Các cơ sở này khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân bằng phương pháp y học dân tộc và y học hiện đại. Tại Tuệ tĩnh đường Hải Đức, các nhà sư - thầy thuốc còn đến nhiều địa phương đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa để khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Một số chùa, tịnh thất, cơ sở thờ tự trong tỉnh cũng có các phòng khám và điều trị, chữa bệnh cho người nghèo khó.

Hai viện cô nhi Đức Sơn và Ưu Đàm mỗi năm nuôi hơn 200 trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ; hai nhà dưỡng lão Tịnh Đức và Diệu Viên chăm lo hơn 50 cụ già cô đơn không nơi nương tựa. Hằng năm, tại các trường mẫu giáo: Diệu Đế, Quảng Tế, Phước Vân, Diệu Viên, Hoa Nghiêm, Hồng Đức, Ngự Bình, Diệu Nghiêm và các trường ở huyện Phú Lộc có gần 1.500 cháu theo học. Hai cơ sở dạy nghề ở hai chùa Long Thọ và Tây Linh mở các lớp dạy nghề miễn phí cho hàng trăm trẻ em mồ côi, khuyết tật, gia đình nghèo, gồm các nghề: May mặc, thêu, đan, điện gia dụng, vi tính văn phòng, mộc mỹ nghệ... Sau khi tốt nghiệp, các em được giới thiệu làm việc tại các công ty may ở TP Hồ Chí Minh, Công ty Dệt may Huế ở Thủy Dương, Xí nghiệp thêu ở Huế; hoặc nhận hàng làm gia công tại nhà, phục vụ tại cơ sở dạy nghề.

Nhiều cơ sở Phật giáo còn tổ chức quyên góp vận động nhân lực, tài lực từ phật tử để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như đường giao thông, xây dựng trường học, nhà trẻ. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Thủy Biều (TP Huế) Võ Đăng Thái cho biết, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật ở Long Thọ đã dạy miễn phí cho các em mồ côi, khuyết tật, gia đình nghèo học các nghề thêu, đan, may, vi tính văn phòng. Trung tâm này hoạt động rất hiệu quả, giúp các em có nghề nghiệp ổn định khi bước vào đời.

Bên cạnh hoạt động từ thiện, GHPG tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tích cực tham gia công tác xã hội. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động lớn do Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động, đã được tăng ni, phật tử tích cực hưởng ứng tham gia, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của các tầng lớp nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng dân cư.

Trưởng phòng Phật giáo - Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ Thừa Thiên - Huế) Nguyễn Hữu Toàn cho biết, Thừa Thiên - Huế là vùng đất du lịch, và loại hình dịch vụ du lịch tâm linh ngày càng phát triển. Những năm gần đây, du khách trong nước và ngoài nước đến Huế nghiên cứu, tìm hiểu Phật giáo Huế, tham quan vãn cảnh chùa chiền, hành hương, chiêm bái, cầu nguyện, tham dự lễ hội, thực hành, trải nghiệm đời sống tâm linh, tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, cúng dường… có chiều hướng tăng lên. GHPG tỉnh đã có nhiều cố gắng để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Những thành quả nêu trên của GHPG tỉnh Thừa Thiên - Huế đều bắt nguồn từ cái tâm của người phật tử. Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự, kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự, GHPG tỉnh cho rằng: “Chúng tôi xem các hoạt động từ thiện là chương trình phật sự rất quan trọng, với châm ngôn: Lấy từ bi làm lẽ sống, Thương người như thể thương thân, thực hiện tốt chức năng của người xuất gia, đem đến những lợi ích thiết thực cho dân nghèo trên địa bàn”./.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 21/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất