Thứ Sáu, 21/2/2025
Sơ kết Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2018
 
 Quang cảnh Hội nghị

Tham dự còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thuận Hữu - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi; Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;  Trương Minh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cuộc thi. Các đồng chí Phó Trưởng Ban, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy; các tác giả có tác phẩm vào chung khảo; đông đảo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội cùng toàn thể cán bộ, công viên chức, người lao động cơ quan Ban Dân vận Trung ương.

Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020 được Ban Dân vận Trung ương phối hợp Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020), kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận” (15/10/1949 - 15/10/2019) và 20 năm “Ngày Dân vận của cả nước” (15/10/1999 - 15/10/2019). Lễ phát động Cuộc thi đã diễn ra vào ngày 13/10/2017.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Cuộc thi, ngay sau khi phát động Cuộc thi, Ban Dân vận nhiều địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo Cuộc thi ở địa phương, đơn vị. Ban Thường vụ, Thường trực nhiều tỉnh, thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện mọi mặt để triển khai Cuộc thi. Hội Nhà báo địa phương và các cơ quan báo chí tăng cường trách nhiệm thực hiện và phối hợp thực hiện công tác dân vận. Tăng cường mở chuyên trang, chuyên mục về công tác dân vận, chuyên mục báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo”; phân công phóng viên, cộng tác viên bám địa bàn, sâu sát cơ sở, viết bài tham gia Cuộc thi; qua đó góp phần phát hiện, giới thiệu nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở địa phương, cơ sở.

Nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức triển khai Cuộc thi một cách nghiêm túc, bài bản, có sáng tạo, như: tổ chức cuộc thi ở cấp tỉnh, thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức, ban giám khảo, hội đồng thẩm định tác phẩm, đưa kết quả thực hiện Cuộc thi vào tiêu chí thi đua; phát động các tập thể, cá nhân trên địa bàn tham gia Cuộc thi, nhất là trong phát hiện, tôn vinh những tấm gương tập thể và cá nhân “Dân vận khéo” ngay tại cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư… Tiêu biểu là Ban Dân vận và Hội Nhà báo các địa phương: Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Gia Lai, Đắc Nông, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Quân đội, Công an…

Một số Ban Dân vận cấp ủy và Hội Nhà báo địa phương tổ chức tập hợp, tuyển chọn tác phẩm gửi về dự thi cấp Trung ương với số lượng lớn, đảm bảo chất lượng, như: Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Gia Lai, Bình Dương, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang…


 Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
 Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi phát biểu tại Hội nghị

Nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân ở các cấp, các ngành, các địa phương tích cực hưởng ứng, chủ động gửi nhiều tác phẩm báo chí, bài viết tham dự Cuộc thi, nổi bật là: các đơn vị quận, huyện của Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; các đơn vị của Quân đội, Công an: Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân đoàn 4, Công an tỉnh Đồng Tháp; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp của các địa phương, như: Hội LHPN tỉnh Nghệ An, Hội LHPN tỉnh Ninh Thuận, MTTQ tỉnh An Giang, Bình Dương…; các ngành: Sở Giáo dục Hà Nội, Lào Cai…

Sau 01 năm, kể từ khi phát động đến thời hạn nhận bài dự thi của năm 2018, cơ quan thường trực Cuộc thi đã tiếp nhận được 1.002 tác phẩm gửi về tham dự ở 4 loại hình là báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói; trong đó có 620 tác phẩm đúng Thể lệ Cuộc thi.

Hội đồng chấm sơ khảo đã thống nhất lựa chọn được 40 tác phẩm có chất lượng, tiêu biểu vào vòng chung khảo. Trong đó: Báo in có 17 tác phẩm; báo điện tử: 6 tác phẩm; báo hình: 11 tác phẩm; báo nói: 6 tác phẩm. Đó là những tấm gương “Dân vận khéo” tập thể và cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, ở các vùng miền đất nước; được phản ánh chân thực, có ý nghĩa và tác động xã hội, có sức truyền cảm, được đăng tải trên các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương.

Tại Hội nghị sơ kết Cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao thưởng cho 40 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo Cuộc thi.

Thay mặt các tác giả có tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo Cuộc thi, nhà báo Giang Minh, Báo Quân đội Nhân dân bày tỏ cảm ơn Ban Tổ chức Cuộc thi đã tạo nên một sân chơi bổ ích, ý nghĩa đối với không chỉ các tác giả có tác phẩm tham gia Cuộc thi mà còn cho cả hệ thống báo chí, những người đã và đang làm công tác dân vận trong cả nước. Cuộc thi là cơ hội để các tác giả ở mọi miền tổ quốc, mọi ngành nghề, dân tộc, tôn giáo được thể hiện những câu chuyện hay, xúc động về công tác dân vận. Các tác phẩm tham gia góp phần phản ánh đầy đủ, chân thực, sâu sắc hơn về tấm gương “Dân vận khéo”, nhân lên nhiều điển hình tốt.

Đánh giá cao những tác giả, tác phẩm tham gia Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2018, phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, các tác phẩm chất lượng không chỉ được ghi nhận bằng giải thưởng mà còn có sức lan tỏa ra cộng đồng, xã hội. Cuộc thi chính là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa - xã hội sâu rộng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay. Từ đó, nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận và trách nhiệm thực hiện công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương của Đảng.


Đồng chí Trương Thị Mai và đồng chí Thuận Hữu
trao thưởng cho các tác giả có tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo Cuộc thi tại điểm cầu Hà Nội

Các bài viết tham gia đều thể hiện, gửi gắm tình cảm trân trọng, yêu mến đối với công tác dân vận của Đảng và những tấm gương “Dân vận khéo” trong công tác và cuộc sống đời thường. Diện mạo công tác dân vận của Đảng được thể hiện sinh động, phong phú trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Thông qua Cuộc thi, công tác dân vận, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tiếp tục được quan tâm đổi mới về nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, đất nước; phát huy dân chủ, đồng thuận xã hội và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết quả bước đầu của Cuộc thi cũng cho thấy, nghĩa Đảng tình Dân luôn được giữ gìn, phát huy; những giá trị tốt đẹp, bền vững trong xã hội không ngừng được tôn vinh, bồi đắp.

Đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao các cơ quan báo chí, các nhà báo, cộng tác viên báo chí Trung ương và địa phương tích cực phối hợp hưởng ứng Cuộc thi; ghi nhận và biểu dương Ban Dân vận cấp ủy và Hội Nhà báo các địa phương đã tích cực triển khai Cuộc thi, nhất là các địa phương có nhiều nỗ lực, trách nhiệm, cách làm chủ động, bài bản, sáng tạo và đạt được số lượng bài dự thi cao.

Phát huy kết quả thành công Cuộc thi năm 2018, thay mặt Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi công bố phát động Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019.

Kết thúc Hội nghị, nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Tổ chức, Phó Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo công bố kế hoạch tổ chức Cuộc thi năm 2019 và Thể lệ Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020 (có sửa đổi, bổ sung)./.

Hoàng Phong

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác