Thứ Năm, 23/1/2025
Bảo tồn, phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và xóa bỏ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang

Từ những chủ trương, quyết sách hợp lòng dân

Trước yêu cầu đổi mới phát triển, Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định công tác dân vận, công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền và tập hợp, đoàn kết, phát huy nguồn lực to lớn của nhân dân. Những năm qua, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hệ thống chính trị bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, công tác dân tộc để triển khai, đưa các văn bản, chỉ thị, nghị quyết đi vào cuộc sống; đồng thời ban hành các văn bản lãnh đạo phù hợp với tình hình thực tế địa phương, mang lại hiệu quả tích cực, được đông đảo nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Tiêu biểu trong đó là nhóm các chủ trương, chính sách, chương trình về Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo; Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững và Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trong tỉnh.


 Xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn ký cam kết xóa bỏ hủ tục với các thôn bản

Nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số; mới đây, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy cũng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với 11/11 huyện, thành phố và 193/193 xã, phường, thị trấn đã thành lập và tích cực hoạt động. Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu xây dựng Quy chế hoạt động, Kế hoạch thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021- 2025 và dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, để ban hành.

Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền phổ biến, quán triệt, xây kế hoạch, chương trình hành động để tổ chức thực hiện gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện. Các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê… và nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo, phù với tình hình thực tiễn như: Tổ chức các hội nghị tọa đàm, hội nghị chuyên đề tại cơ sở và mời các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ các dân tộc, nghệ nhân dân gian, người có uy tín để họp bàn, biểu quyết các giải pháp để đưa vào quy ước, hương ước của thôn, bản để tổ chức thực hiện; xây dựng mô hình đảm bảo an ninh trật tự gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; mỗi xã chọn một dòng họ và trưởng dòng họ trực tiếp ký cam kết thực hiện…

Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống trong đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát huy như tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghi lễ truyền thống, lễ hội dân gian… tạo nên bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của tỉnh.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Nhiều năm qua, tỉnh Hà Giang xác định phát triển du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhất là Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận.

Du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đã được các cấp, các ngành quan tâm quy hoạch, quản lý, đầu tư, phát triển, đóng góp tích cực vào thúc đẩy kinh tế địa phương. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch đã được hình thành, các làng văn hóa du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng đông khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến nay, tỉnh có 03 bảo vật quốc gia được Thủ tướng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể; 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng; công tác trùng tu, tôn tạo di tích được quan tâm; các kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian được quan tâm bảo tồn và phát huy.


 Người Mông xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc tổ chức các hoạt động văn nghệ
giúp lưu giữ và phát huy bản sắc dân tộc

Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng du lịch Hà Giang vẫn có bước phát triển phù hợp với tình hình mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2021, Hà Giang được hãng truyền thống quốc tế CNN bình chọn nằm trong top 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá ở Việt Nam...

Tiếp tục kiên trì, bền bỉ giúp người dân xóa bỏ hủ tục

Trên thực tế, hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tồn tại đã lâu đời, một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, vì vậy việc truyên truyền vận động xóa bỏ cần có thời gian, lộ trình và nguồn lực.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang đã xác định triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và xóa bỏ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần chăm lo cho đời sống nhân dân, phấn đấu đưa kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc… như văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.

Thành Phan

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi