Chủ Nhật, 29/12/2024
Dân vận khéo góp phần phát triển kinh tế ở huyện miền núi Văn Yên
 
Mô hình nuôi gà của bà Vũ Thị Hà, thôn Phú Lâm, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Yên Bái)
mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng


Lâm Giang là xã vùng cao khó khăn của huyện Văn Yên, năm 2009, xã bắt đầu thực hiện phong trào “Dân vận khéo”. Với xuất phát điểm thấp, trong xã có đồng bào 8 dân tộc chung sống với hơn 30% đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Dao; trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu; người dân sống chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên và trồng các loại cây kém hiệu quả như sắn, ngô, mía, đỗ tương… nên đời sống gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Trước thực trạng này, Đảng ủy xã Lâm Giang đã vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho năng suất cao. Tuy nhiên, khi mới triển khai việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn như bà con đã quen với tập quán canh tác cũ, xã chưa quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đến năm 2017, nhận thấy mô hình dân vận khéo là một trong những giải pháp thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã Lâm Giang chú trọng và quyết liệt thực hiện tổng thể xây dựng mô hình dân vận khéo; đồng thời có Nghị quyết và giao cho mỗi ngành, đoàn thể phụ trách một vài mô hình.

Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn các cây, con giống có năng suất chất lượng cao như: Trồng chuối, dâu nuôi tằm, các cây lâm nghiệp khai thác gỗ, chăn nuôi lợn, gà theo quy mô trang trại, gia trại và nuôi ong lấy mật. Mỗi cán bộ xã là những người tiên phong đi đầu trong chuyển đổi mô hình kinh tế, để người dân nhận thấy hiệu quả và tự nguyện tham gia.

Từ việc vận động nhân dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi cũ, đến nay Lâm Giang đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả. Điển hình, gia đình anh Lê Trọng Khương, thôn Phúc Linh, xã Lâm Giang với mô hình chăn nuôi lợn quy mô 100 con. Năm 2019, anh xuất bán hơn 20 tấn lợn, thu nhập gần 500 triệu đồng. Anh Khương chia sẻ: "Năm 2009 được tỉnh hỗ trợ, cho vay 50 triệu đồng và được sự vận động, khuyến khích của cán bộ xã, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi lợn với quy mô lớn. Sau một vài năm thấy hiệu quả kinh tế, tôi duy trì mô hình chăn nuôi này, chủ động nuôi lợn nái để tự cung tự cấp giống, giảm chi phí đầu vào. Từ khi chuyển đổi sang chăn nuôi lợn, kinh tế gia đình tôi ngày càng khấm khá.

Bà Vũ Thị Hà, thôn Phú Lâm, xã Lâm Giang lại thực hiện lồng ghép 3 mô hình chăn nuôi lợn, gà và trồng dâu nuôi tằm. Với 3 nong nuôi tằm, mỗi tháng bà xuất được 3 lứa tằm, mỗi lứa cho thu 30kg kén và nhộng, trừ chi phí còn lãi gần 10 triệu đồng. Bà Hà tâm sự, được cán bộ xã vận động và cho đi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi tằm, bà trồng khoảng 1 ha dâu. Sau hơn 1 năm trồng dâu, bà thấy trồng dâu nuôi tằm không vất vả, đầu ra cũng ổn định, thương lái đến tận nhà thu mua. Bà còn hướng dẫn kỹ thuật cho chị em trong thôn để chuyển đổi sang mô hình này.

Triển khai các mô hình phát triển kinh tế, thu nhập bình quân của người dân xã Lâm Giang tăng từ 20 triệu đồng (năm 2015) lên 33 triệu đồng (năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33% xuống còn 7,1%. Đồng chí Đặng Thị Mai Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Giang cho biết, từ phong trào “Dân vận khéo”, xã đã xây dựng được 8 mô hình trang trại lợn, 2 mô hình chăn nuôi trâu và 84 ha diện tích cây ăn quả; xây dựng 5 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương. Toàn xã có 17 tổ hợp tác trồng bưởi da xanh, trồng dâu nuôi tằm, nuôi ong lấy mật, thu mua nông sản, trồng khoai lang… Bên cạnh việc khuyến khích người dân phát triển kinh tế, xã cũng tăng cường vận động bà con xây dựng mô hình thắp sáng đường quê, tự nguyện hiến đất, góp ngày công lao động làm đường bê tông… Những mô hình, tổ hợp tác này đã trở thành cây trồng, vật nuôi chủ lực và nguồn thu chính cho bà con, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, xã Lâm Giang đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Phương Quốc Khải, Phó Trưởng Ban Dân vận huyện Văn Yên cho biết: Dân vận khéo là cụ thể hóa đường lối của Đảng đến cơ sở, huy động sức mạnh trong nhân dân để phát huy nội lực. Qua 10 năm thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại huyện Văn Yên đã mang lại kết quả tích cực, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo và có sức lan tỏa. Tiêu biểu như các mô hình “Vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở”, “Vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông thôn, bản”, “Cộng đồng người Mông tự quản”, “Vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Đến nay, huyện Văn Yên có trên 870 mô hình dân vận khéo; trong đó lĩnh vực kinh tế có hơn 300 mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; lĩnh vực văn hóa xã hội có hơn 450 mô hình.

Trong xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát huy vai trò chủ thể của nhân dân. Từ năm 2009 đến nay, Văn Yên có hơn 180 doanh nghiệp, 62 hợp tác xã, 152 tổ hợp tác và trên 3.100 hộ đăng ký kinh doanh cá thể, trang trại với quy mô vừa và nhỏ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương; vận động nhân dân đóng góp trên 20 tỷ đồng để kiên cố các tuyến đường giao thông; qua đó góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã trên địa bàn huyện. Huyện Văn Yên hiện có 11/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thời gian tới, để nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình dân vận khéo, huyện Văn Yên tiếp tục động viên tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, huy động nội lực trong nhân dân; tuyên truyền, vận động bà con chăm sóc, ổn định diện tích cây trồng, mô hình chăn nuôi hiện có; khuyến khích phát triển, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các địa phương theo dõi việc xây dựng các mô hình để đánh giá định kỳ…

(dantocmiennui.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi