Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về công tác dân vận "Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, hay "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Tất cả đã làm nên một phong trào thi đua "Dân vận khéo" sôi nổi, thiết thực, lan tỏa trong cộng đồng.
|
Phong trào “Dân vận khéo” đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân cùng thực hiện
những công trình, phần việc ý nghĩa. |
Sự lan tỏa của phong trào
Trong năm 5 năm qua, để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, mục tiêu chung của hệ thống dân vận trong tỉnh Sóc Trăng là tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nâng cao nhận thức, tăng cường xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, kiện toàn hệ thống dân vận, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh vững mạnh, hoạt động có hiệu quả. Xây dựng nội dung và phương hướng hoạt động về công tác dân vận phù hợp với giai đoạn cách mạng mới. Phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các cấp, các ngành với nội dung thiết thực, hướng về cơ sở.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; trên cơ sở hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương, Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Phối hợp với những ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy cùng cấp chỉ đạo quán triệt về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia từ trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Xây dựng quy trình, hướng dẫn để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các dự án, các nguồn vốn đầu tư. Phát động nhân dân tham gia đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi dụng dân chủ, khiếu kiện, gây rối, cản trở việc tổ chức thực hiện chương trình. Kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện. Quan tâm đề ra các cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ, động viên nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển doanh nghiệp, mở rộng ngành nghề, tạo thêm việc làm; tập trung cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích trồng màu, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chỉnh trang nhà cửa, các công trình vệ sinh; phát động các phong trào xây dựng nếp sống văn minh, loại bỏ các tập tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội...
Phát động phong trào thi đua sôi nổi trong các đoàn thể chính trị - xã hội; đồng thời tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới. Dân vận là cầu nối để tất cả mọi người dân đều được tham gia đóng góp thực hiện chương trình theo điều kiện, khả năng của mình.
Nhân lên những "đóa hoa thơm"
Việc triển khai thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người. Nội dung, chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng thiết thực gắn với cuộc sống, công việc như “rửa mặt hàng ngày”. Điển hình nhất là câu chuyện của thượng sĩ Lê Hoàng Khang, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh. Khang đã không sợ khó khăn, nguy hiểm khi lặn cứu sống một phụ nữ bị kẹt trong chiếc xà lan chìm giữa dòng sông Hậu trong nhiều tiếng đồng hồ. Từ sự nhanh trí, quên mình vì nhiệm vụ, Khang được Trung ương Đoàn tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.
Hay như thượng úy Trần Lộc Dư, công tác tại Đồn Biên phòng Trung Bình, BĐBP Sóc Trăng. Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Dư là 1 trong 28 người được tăng cường về BĐBP tỉnh An Giang làm nhiệm vụ ở địa bàn giáp ranh với tỉnh Kandal của Campuchia. Cùng với đồng đội, Dư luôn khắc phục khó khăn thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ địa bàn nhằm ngăn chặn hoạt động vượt biên trái phép của các loại đối tượng và cư dân hai bên biên giới, hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ có thể lây lan dịch bệnh ngay trên địa bàn công tác. Cũng trong lúc này, cha Dư qua đời nhưng lại không thể về chịu tang. Dư lại càng hiểu rõ hơn nhiệm vụ mình đang thực hiện và ý thức việc phòng, chống lây lan dịch bệnh trong cộng đồng nên quyết tâm thực hiện thật tốt nhiệm vụ, coi đó là sự tri ân đối với người cha của mình. Tấm gương quên việc riêng vì nhiệm vụ chung, dũng cảm thực hiện trong công tác phòng, chống dịch bệnh là tấm gương sáng về tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người lính biên phòng trong tình hình mới.
Một trong những điển hình minh chứng cho sự lan tỏa của phong trào “dân vận khéo” là cô Thạch Thị Hơ, ở thị trấn Châu Thành (Châu Thành). Vươn lên từ gian khó, cô luôn giúp đỡ người nghèo bằng cả tấm lòng. Thấy được việc làm ý nghĩa của cô, nhiều người đã tình nguyện chung tay góp sức để giúp trẻ em nghèo bị bệnh tim được chữa trị, giúp người già sống neo đơn, trẻ em khuyết tật… Được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện, “Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp từ thiện” ra đời do cô Thạch Thị Hơ làm chủ nhiệm. Những việc làm thiết thực của câu lạc bộ đã kết nối thêm nhiều mạnh thường quân và mang đến hạnh phúc cho những cảnh đời kém may mắn…
Từ những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã huy động được các nguồn lực, khơi dậy được tinh thần yêu nước. Từ đó, định hướng rõ nội dung trọng tâm trong từng giai đoạn, từng loại hình, từng địa phương, đơn vị, tạo động lực thi đua sôi nổi để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
(baosoctrang.org.vn)