Thứ Sáu, 10/1/2025
Bác sĩ của bản làng

Nhận nhiệm vụ công tác tại xã Mà Cooih từ năm 2007, những cán bộ y tế trẻ tuổi, non kinh nghiệm như anh Nhất khi ấy thực sự bước vào cuộc đấu tranh giành giật lại mạng sống cho người dân trước những hủ tục mê tín dị đoan. Địa hình phức tạp, các khu định cư của đồng bào nơi đây cách nhau khá xa. Để đến trạm y tế xã khám chữa bệnh, đồng bào phải đi rất xa, như khu tái định cư Pache Planh, Cutchơrun cách xa trạm y tế xã đến gần 20 km đường đèo núi.

 
Bác sĩ Klâu Nhất được tuyên dương tại Đại hội Thầy thuốc trẻ. 

Bác sĩ Nhất kể lại, trước đây không ít người dân khi ốm đau không đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế mà vẫn mời thầy mo về cúng, đa phần phụ nữ đều tự sinh nở tại nhà theo tập tục nên rất nguy hiểm đến tính mạng... Anh cùng đồng nghiệp đến từng nhà có người ốm nặng để thăm khám. Đó là những trường hợp thầy cúng thầy mo cũng “bó tay” rồi, vì cúng lễ mãi người bệnh không khỏi. Để cứu sống người thân, gia đình đành cho anh Nhất đưa đến trạm y tế xã chạy chữa, điều trị đến khi hết bệnh. Bằng những ca bệnh cụ thể như thế, anh kiên nhẫn từng bước gây dựng được niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào thầy thuốc. Bác sĩ Nhất nhớ có lần khám bệnh cho một bệnh nhân bị ho dai dẳng, anh cẩn thận kê đơn thuốc về nhà uống nhiều ngày. Ngày hôm sau, bệnh nhân quay lại xin thuốc uống thêm, khi hỏi về số thuốc đã cấp hôm trước, bệnh nhân hồn nhiên trả lời: “Uống một lần đã hết rồi”, khiến anh và đồng nghiệp tá hỏa.

Đại hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vừa diễn ra đã tuyên dương 30 cá nhân là thầy thuốc trẻ tiêu biểu xuất sắc, hiện công tác ở địa bàn vùng sâu vùng xa trên khắp cả nước đã có đóng góp tiêu biểu cho ngành y tế, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong đó, bác sĩ Klâu Nhất nằm trong số 30 gương thầy thuốc trẻ được tuyên dương.

Câu chuyện chăm lo sức khỏe cho đồng bào khó là vậy, nhưng nhờ công tác vận động tốt nên số lượng người dân đến khám bệnh tại trạm đã nhiều và thường xuyên hơn, đa số các bệnh mà bà con ở đây hay gặp là những bệnh thông thường như kiết lị, ho... Cũng theo anh Nhất, được sự quan tâm của các cấp, thuốc men tại trạm y tế xã nhiều hơn hẳn so với trước đây. Tuy nhiên, việc cung cấp thuốc tại đây vẫn phải có giới hạn định mức theo tháng và nhiều khi vận chuyển thuốc về chưa kịp.

Già làng ARâl Bốc (thôn A-Đền, thuộc khu tái định cư Cutchơrun) cho biết: “Bây giờ, những phương thuốc từ các loài cây của rừng vẫn được bà con sử dụng, tuy nhiên bà con dần có thói quen đến trạm y tế để khám chữa bệnh. Đến trạm y tế, bác sĩ khám đúng bệnh và thuốc Tây làm nhanh hết nhiều loại bệnh so với các loại lá rừng”.

Alăng Arứp ở khu tái định cư Pache Palanh cho biết thêm: “Trẻ con sinh ở khu tái định cư đều khỏe mạnh nhờ được chăm sóc tốt. Nhiều khi chị em chuyển dạ mà không lên kịp trạm y tế, thì báo là có cán bộ y tế xuống đỡ cho. Sau khi sinh, nhiều chị em ở nhà cả tháng mới tiếp tục đi rẫy, không như hồi ở làng cũ nữa”.

Điều đáng ghi nhận ở trạm là tình hình bệnh nhân chuyển lên tuyến trên ngày càng giảm. Từ khi có đường Hồ Chí Minh và công trình thủy điện A Vương được xây dựng, trạm hoạt động ngày càng hiệu quả và quy mô hơn. Nhiều đoàn y, bác sĩ tình nguyện cũng chọn trạm y tế Mà Cooih làm “căn cứ” để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân trong vùng.

Khi người dân đã đặt niềm tin vào thầy thuốc, chỉ trong hơn 10 năm, anh Nhất cùng đồng nghiệp đã xây dựng được mạng lưới y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho người dân không thua kém các địa phương vùng đồng bằng. Nhiều năm qua, xã vùng cao này không có dịch bệnh. Hằng ngày, anh và các cán bộ y tế của trạm tuyên truyền thay đổi nhận thức cho bà con từ những điều đơn giản nhất là phải uống nước đun sôi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi ăn, ngủ phải mắc màn đến việc tiêm chủng trẻ em; vận động dân bản áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng dịch bệnh thông thường cho đến chuyện đỡ đẻ...

Chính những nỗ lực và việc làm cụ thể của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở đã dần làm thay đổi những hủ tục của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe. Từ chỗ rất ít bà con dân bản đến khám chữa bệnh tại trạm y tế, đến nay mỗi tháng trạm y tế xã phục vụ khám chữa bệnh cho hơn 200 lượt người. Khi được hỏi về hiệu quả hoạt động của trạm y tế, anh Alăng Rấp - Trưởng thôn AĐền, xã Mà Cooih cho rằng: “Trạm y tế đã hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều cho đồng bào mình chữa được nhiều căn bệnh mà từ trước đến nay người làng đành bó tay. Mình thật bụng cảm ơn”.

Nguồn: cadn.com.vn, ngày 19/2/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất