Trong năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Bình Thuận tiếp tục được các cấp, các ngành triển khai thực hiện gắn với các nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dân vận, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Ban Chỉ đạo công tác dân vận quốc phòng-an ninh tỉnh Bình Thuận tổ chức khám bệnh,
cấp thuốc, tặng quà cho nhân dân xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: TL
|
Trong năm 2016, nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tiếp tục được các ngành, các cấp lựa chọn, xây dựng, nhân rộng và có sức lan tỏa như: Mô hình “Ánh sáng an ninh”, “Cựu chiến binh tham gia giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”, “Dòng tộc văn hóa tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ hợp tác sản xuất Thanh long an toàn - tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Khu dân cư bình đẳng, ấm no, hạnh phúc”, “Thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường”, “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, “Khu dân cư Bảo vệ môi trường”, “Tổ dân phòng nữ”, “Tổ phụ nữ tự quản về quản lý về trật tự buôn bán, kinh doanh và vệ sinh môi trường”, “Tổ một cửa có trách nhiệm, thạo việc, trọng dân”...
Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước, các địa phương đã vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng các loại quỹ đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao, điển hình như thành phố Phan Thiết đã vận động được 1.776 triệu đồng (Quỹ vì người nghèo 1.019 triệu đồng/1 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch; Quỹ đền ơn đáp nghĩa 757 triệu đồng/550 triệu đồng, đạt 138% kế hoạch); thị xã La Gi vận động trên 1.635,3 triệu đồng (Quỹ vì người nghèo 977 triệu đồng/750 triệu đồng, đạt 130,3% kế hoạch; Quỹ đền ơn đáp nghĩa 658,3 triệu đồng/500 triệu đồng, đạt 132% kế hoạch)...
Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 21-KH/BDVTU về công tác dân vận tham gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ chung là tiếp tục tham mưu, phối hợp tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vận động các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh, thu hút các nguồn lực tham gia đóng góp thực hiện có hiệu quả, thiết thực các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Kết quả đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 38/96 xã (năm 2016 có 12 xã) và 01/08 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Phú Quý).
Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động Khối Dân vận cơ sở”, giai đoạn 2010-2015 của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Hướng dẫn số 80-HD/BDVTW của Ban Dân vận Trung ương về việc thành lập và hoạt động của Tổ dân vận thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp các ban, ngành liên quan hướng dẫn việc thành lập Tổ dân vận thôn, khu phố và ban hành Quy chế (mẫu) về tổ chức và hoạt động Tổ dân vận thôn, khu phố. Đến nay, có 10/10 huyện, thị, thành ủy; 119/127 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện và thành lập được 658 tổ/705 thôn, khu phố (chiếm 93,33%). Năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trương thí điểm thành lập Ban Tuyên - Vận cơ sở tại 02 xã, 01 phường, 01 thị trấn và 25 Tổ Tuyên - Vận thôn, khu phố. Từ ngày thành lập đến nay, Tổ dân vận thôn, khu phố đã ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, tích cực phối hợp tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Cùng với đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác dân vận để rút kinh nghiệm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả. Phối hợp tổ chức khảo sát việc thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo ở một số tỉnh; tình tình hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở các cấp trên địa bàn tỉnh... để tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp./.
Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 13/01/2017