Chủ Nhật, 17/11/2024
Nữ Bí thư chi bộ, Trưởng khóm làm tốt công tác dân vận
 
Chị Ánh (bên phải) đến nhà vận động, trao đổi cùng từng hộ dân


Trong học tập Bác, chị Ánh chọn cho mình hướng tập trung thực hiện “Nói đi đôi với làm”, gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Chỉ tiêu về vận động các nguồn quỹ do cấp trên giao, chị luôn cùng tập thể khóm hoàn thành, góp phần vào thành tích chung của phường. Không dừng lại ở đó, chị Ánh còn đề ra nhiều công trình công cộng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bà con trong khóm. “Trước đây, đường hẻm này thường xuyên rơi vào tình trạng sình lầy khi mưa gió, nước mưa, nước sinh hoạt đều không thoát đi đâu được, lại xuống cấp trầm trọng. Người dân chúng tôi rất khổ sở khi phải sinh sống trong điều kiện như vậy, nên kiến nghị với địa phương, tìm cách tháo gỡ. Đến khi phụ trách khóm, Ánh nhanh chóng vận động bà con, lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp con đường và lắp đặt hệ thống thoát nước; túc trực, bám sát công trình không quản giờ nghỉ, ngày nghỉ. Công trình làm xong, ai cũng phấn khởi. Không ai nghĩ là một cán bộ nữ như Ánh lại có thể đứng ra làm tốt những mặt công việc này”- bà Nguyễn Thị Thu Hà (58 tuổi, cán bộ hưu trí, ngụ tổ 47) hào hứng chia sẻ. Nói thì đơn giản, nhưng công trình trên tốn hơn 100 triệu đồng, lại do người dân đóng góp 100%. Rồi chị Ánh lại cùng tập thể khóm vận động cất mới cây cầu tại tổ 34, trị giá trên 50 triệu đồng; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tổ 45, 46, 47, kinh phí trên 20 triệu đồng... Năm 2016, 3 công trình lớn trong khóm đã hoàn thành, tất cả đều từ “Dân vận khéo”. Sắp tới, chị Ánh cùng bà con thực hiện tiếp công trình làm đường, hệ thống thoát nước cho tổ 45, 46; cất nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo (chi phí trên 30 triệu đồng, trong đó khóm tự vận động 10 triệu đồng).

Có thể, những hoạt động trên chẳng quá lớn lao, nhưng là nỗ lực vượt bậc, rất đáng ghi nhận ở một địa bàn dân cư. Trong đó vai trò của nữ Bí thư Chi bộ, Trưởng khóm Vi Thị Kim Ánh rất quan trọng, khi chị đã kết nối được sự chung tay vì cộng đồng của mọi người dân, giúp họ hoàn thành việc xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn cho chính họ và bà con khu vực. Suốt cuộc trò chuyện với tôi, chị Ánh không diễn giải nhiều, mà trả lời ngắn gọn. Có thể do chị không quen nói về thành tích bản thân và những trở ngại gặp phải trong quá trình thực hiện công việc. Góp nhặt ý trao đổi của chị, tôi được biết: Mọi ý tưởng bắt đầu khi chị trực tiếp nhìn thấy người dân gặp nhiều khó khăn trong đi lại, sinh hoạt. Toàn khóm có 31 hộ nghèo, cận nghèo trong tổng số 671 hộ gia đình, mức sinh hoạt nhìn chung ở trung bình khá. Nếu để người dân tự tổ chức thực hiện các công trình phục vụ đời sống, chắc chắn rất nan giải. Họ cần sự giúp sức của chính quyền địa phương, hoặc ít ra là có nơi làm đầu mối, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch... để họ thực hiện. Vì vậy, chị Ánh cùng tập thể khóm đã mạnh dạn xin chủ trương, triển khai kế hoạch đến người dân, bàn bạc rõ cách thức thực hiện. “Ngoài tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động, chúng tôi còn trực tiếp đến từng hộ dân để trao đổi, tìm sự đồng thuận từ họ. Việc công khai dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” giúp người dân nhận thấy được lợi ích thiết thực giữa cái chung và cái riêng, tầm quan trọng của công trình. Hộ nào chưa hiểu, chúng tôi kiên trì giải thích, vận động đến khi họ thông suốt. Trở ngại lúc nào cũng có, nhưng nếu quyết tâm thì tôi tin mình sẽ làm được”- chị Ánh chia sẻ.

Công việc sắp tới sẽ vẫn dày đặc, đè nặng lên đôi vai của nữ Bí thư Chi bộ, Trưởng khóm 29 tuổi này. Nhưng chắc chắn chị sẽ vượt qua được, bằng tinh thần làm việc hăng hái, nhiệt tình của bản thân; bằng sự tin yêu, nể phục và đồng thuận của bà con trong khóm; bằng sự đoàn kết, gắn bó với tập thể khóm.

Nguồn: baoangiang.com.vn, ngày 09/8/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất