Không có quỹ đất, không có tiền đền bù giải phóng mặt bằng, thế nhưng những ngôi nhà văn hóa khang trang vẫn được hoàn thành đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân ở xã Khuôn Hà (Lâm Bình, Tuyên Quang). Nhờ tinh thần vì cộng đồng của người dân mà Khuôn Hà đã tiến gần đến mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới cuối năm 2017.
|
Nhà văn hóa thôn Ka Nò xây dựng trên diện tích đất 1 vụ lúa của gia đình chị Quan Thị Đàn
thôn Hợp Thành, xã Khuôn Hà hiến tặng. |
Vì lợi ích chung
Nhà văn hóa thôn Nà Kẹm rộng trên 120 m2 vừa khánh thành. Trưởng thôn Chẩu Văn Tụy vui mừng: “Có nhà văn hóa sạch đẹp, tổ chức sự kiện gì cũng thuận lợi. Tới đây, người dân tiếp tục đóng góp để làm nốt sân trước nữa thì tha hồ rộng rãi, sạch sẽ để con em trong thôn chơi thể thao, giao lưu văn nghệ”. Anh Tụy khoát tay ra sân tiếp lời: “Cả khu đất này trên 700 m2 là đất của gia đình chị Quan Thị Điệp nhượng lại cho thôn.
Để kịp ngày khởi công nhà văn hóa, chị Điệp còn chặt ngô chưa đến ngày thu hoạch để giải phóng mặt bằng. Nếu theo giá thị trường, mảnh đất này phải đến 100 triệu đồng, nhưng thôn không có đất, cũng không có tiền mua. Cảm kích tấm lòng của chị Điệp và cũng để gia đình chị Điệp bớt thiệt thòi vì đã mất đi một phần tài sản mưu sinh nên người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp 26 triệu đồng tặng gia đình chị Điệp”.
Chị Điệp chia sẻ: “Mảnh đất này gắn bó với gia đình bao năm, mỗi năm trồng được 7-8 tạ lúa, ngô, lại gần trục đường thôn, dễ đi lại chăm sóc. Khi thôn không có đất xây nhà văn hóa và đề nghị gia đình tôi nhượng lại, tôi cũng đắn đo, song vì mục tiêu lớn, tôi gác lại lợi ích riêng nhượng trên 700 m2 để thôn có đất xây dựng nhà văn hóa theo chuẩn nông thôn mới.
Cũng giống gia đình chị Điệp, việc gia đình chị Quan Thị Đàn, thôn Hợp Thành hiến đất cho thôn Ka Nò làm nhà văn hóa được người dân vùng cao này hết sức cảm kích. Anh Hà Văn Tuấn, Trưởng thôn Ka Nò cho biết: Được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nhà văn hóa theo chuẩn nông thôn mới, người dân trong thôn rất phấn khởi. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện, cán bộ xã cùng với thôn tìm mãi chưa có đám đất nào đủ điều kiện để xây dựng nhà văn hóa. Qua rà soát thấy gia đình chị Đàn ở thôn Hợp Thành có mảnh đất rộng trên 820 m2 trồng 1 vụ lúa, một vụ màu ở thôn Ka Nò đủ điều kiện, anh đã đề nghị với chính quyền xã để có hướng đến vận động gia đình nhượng đất xây dựng nhà văn hóa thôn Ka Nò.
Khi chính quyền xã đồng ý, Hội Phụ nữ xã cùng với cán bộ thôn Ka Nò đến vận động gia đình chị Đàn nhượng lại đất cho thôn. Chị Đàn bàn với chồng và đồng ý hiến gần một nửa số đất của gia đình cho thôn Ka Nò làm nhà văn hóa. Sau khi có đất, 82 hộ dân thôn Ka Nò đã đóng góp trên 82 triệu đồng và hàng trăm ngày công hoàn thành nhà văn hóa vào tháng 5 - 2016. Đáp lại tấm lòng của gia đình chị Đàn, người dân thôn Ka Nò đã đồng lòng đóng góp 16 triệu đồng tặng gia đình chị để đầu tư sản xuất vào phần đất còn lại của gia đình.
Học Bác dân vận khéo
Khuôn Hà phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2017. Hiện xã còn 7 tiêu chí cần hoàn thành là: Điện, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm.
Để hoàn thành các tiêu chí cần sự chung tay của người dân trong thực hiện. Trong đó có tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, với việc xây mới 6 nhà văn hóa ở các thôn Nà Thiếm, Nà Chang, Nà Hu, Ka Nò, Lung May, Nà Kẹm. Những thôn này chưa có nhà văn hóa, nên khi triển khai người dân rất đồng tình. Tuy nhiên, theo ông Chẩu Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà, cái khó ở đây là các thôn đều không có quỹ đất để xây dựng, xã không có tiền đền bù. Để xây được nhà văn hóa theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” thì người dân phải mất đi một phần đất sản xuất, một việc thật không dễ.
Việc tuy khó, nhưng học tập lời dạy của Bác “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, cán bộ, đảng viên xã Khuôn Hà không chỉ tích cực tuyên truyền vận động người dân chung sức xây dựng nông thôn mới mà mỗi cán bộ, đảng viên trong xã còn là những người gương mẫu đi đầu thực hiện để mọi người làm theo. Khi thôn Nà Hu triển khai xây dựng nhà văn hóa, ông Đặng Đình Son, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã đã bàn với gia đình tự nguyện hiến 230 m2, vận động thêm người anh em là bà Vi Thị Lợi hiến gần 300m2 đất, đồng thời nhượng lại gần 500 m2 đất cho thôn với giá rẻ để thôn đủ quỹ đất xây dựng nhà văn hóa.
Học Bác cách làm dân vận, chị Nguyễn Thị Kiệm, Chủ tịch Hội LHPN xã Khuôn Hà không nề hà vất vả, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động hội viên phụ nữ chỉnh trang nhà cửa, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng các công trình phụ, phát triển kinh tế, đóng góp tiền, ngày công, hiến đất xây dựng nhà văn hóa. Chị Kiệm bảo: “Phụ nữ có vai trò quan trọng lắm, nếu vận động được chị em ủng hộ thì coi như thành công hơn nửa”. Chính vì thế, chị Kiệm đã vận động 7 hội viên hiến trên 3.480 m2 đất xây 6 nhà văn hóa của xã. Chị Nguyễn Thị Hồi, hội viên phụ nữ thôn Lũng May cho biết, khi chị Kiệm đến vận động, chị đã bàn với gia đình hiến trên 800 m2 đất xây nhà văn hóa thôn Lũng May.
Ông Chẩu Văn Toan, Chủ tịch UBND xã cho rằng: “Dân vận khéo là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện xây dựng nông thôn mới nên ngay từ khi triển khai, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể xã thường xuyên xuống thôn bản, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp, tạo điều kiện để người dân được trực tiếp bàn bạc, thực hiện, kiểm tra giám sát, tham gia đóng góp vào chương trình, đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Quyền làm chủ được phát huy, người dân càng hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình và tích cực đóng góp, tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn mới”.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 23/8/2017