Thứ Sáu, 1/11/2024
Tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp
 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HM) 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam; đại diện các đơn vị tham gia chương trình phối hợp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ: Hội nghị tập trung đánh giá kết quả chương trình phối hợp năm 2015, trong đó tập trung làm rõ cơ chế, phương pháp tham gia giữa các đơn vị trong việc nâng cao ý thức của người nông dân, của những người buôn bán vật tư nông nghiệp; thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc trong thực hiện chương trình phối hợp; Trên cơ sở đó, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp giám sát luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp năm 2016.

Theo Báo cáo sơ kết chương trình phối hợp năm 2015, ngay sau khi  ký kết chương trình phối hợp Hội Nông dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Công Thương các địa phương tiếp tục ký Chương trình phối hợp và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đến nay có 58/63 tỉnh, thành phố  đã ký Chương trình phối hợp, 5 tỉnh chưa ký gồm: Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Bến Tre.

Cùng với đó, Hội Nông dân phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các tỉnh, thành phố tổ chức 216 lớp tập huấn về giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp cho cán bộ Hội ở các cấp, chủ yếu là cán bộ Hội và cán bộ Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 2 lớp tập huấn cho các cơ sở nuôi, cán bộ Chi cục Nuôi trồng thủy sản, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và Hội Nông dân tại 2 tỉnh Vĩnh Long và Bạc Liêu.

Song song với đó, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức 186 cuộc giám sát tại địa bàn một số huyện, xã về việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Một số địa phương tiêu biểu: Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh. Qua các ý kiến phản ánh của cán bộ ở cơ sở, người sử dụng vật tư nông nghiệp ở các nơi đoàn giám sát tiếp xúc đều có nhận xét: Vật tư nông nghiệp kém chất lượng (không đúng như ghi trên bao bì sản phẩm) còn khá phổ biến như: phân bón tổng hợp NPK, phân bón hữu cơ; thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi công nghiệp…). Đối với nông dân, khi sử dụng thấy hiệu quả kém, người sử dụng vật tư nông nghiệp chuyển sang dùng của cơ sở sản xuất khác.

Các đại biểu đều khẳng định, thông qua các hoạt động phối hợp tuyên truyền, tập huấn, tổ chức các đoàn giám sát, bước đầu tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, nhất là đối với nông dân và sự quan tâm của các cấp, các ngành, dư luận xã hội về hoạt động giám sát của MTTQ và Hội Nông dân Việt Nam.

Năm 2015, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về lĩnh vực vật tư nông nghiệp đã được phát hiện và các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 3.000 vụ, phát hiện, xử lý 878 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 10, 6 tỷ đồng; thu giữ hơn 276 tấn vật tư nông nghiệp các loại, giá trị tang vật tịch thu ước tính 39,7 tỷ đồng.

Các đại biểu cũng cho biết, việc giám sát thực hiện pháp luật trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp là vấn đề khó, phức tạp so với các nội dung khác. Vì thế, việc triển khai thực hiện chương trình giám sát chương trình phối hợp ở nhiều địa phương còn chậm. Việc phối hợp giám sát chủ yếu mới triển khai ở cấp tỉnh, thành phố thông qua một số hoạt động tuyên truyền trên báo, đài; lập một số đoàn giám sát thí điểm ở một số địa bàn, đối tượng giám sát chủ yếu là chính quyền cấp huyện và một số hộ buôn bán nhỏ, lẻ vật tư nông nghiệp. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp ở nhiều nơi còn chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về sử dụng vật tư nông nghiệp, nhất là thuốc bảo vệ thực vật của người dân chưa được đầy đủ...

Năm 2016, các đơn vị tiếp tục phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên nông dân và người dân về việc giám sát thực hiện pháp luật trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp để người dân tự giác chấp hành luật và giám sát việc thực hiênn ở địa phương thông qua các phương tiện thông tin truyền thông. Hoàn thiện việc biên soạn tài liệu giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp.

Tiếp tục xây dựng mô hình chỉ đạo điểm về sản xuất, chế biến nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm và giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng; tăng cường phối hợp trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung chương trình phối hợp.../.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 9/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất