|
Phong trào “Hũ gạo tình thương” của phụ nữ Lý Sơn. Ảnh: quangngai.gov.vn |
Từ năm 2007 đến nay, công tác phụ nữ trên địa bàn huyện được thực hiện đồng bộ và toàn diện trong cả hệ thống chính trị, nhất là sau khi Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, các ngành, chính quyền thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW bằng các chương trình, kế hoạch phù hợp sát với thực tế. Tính đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 10 lớp quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chương trình số 19-Ctr/HU của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số -NQ/TW cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và lồng ghép triển khai trong sinh hoạt, hội họp của cơ quan, chi bộ, chi hội. Ngoài ra, huyện đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, triển khai Luật bình đẳng giới, chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt nam đến năm 2020; Luật hôn nhân và gia đình. Qua đó đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, hội viên đối với công tác phụ nữ.
Bám sát Nghị quyết số 11-NQ/TW, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa các quan điểm, nội dung về công tác phụ nữ, đặc biệt là công tác phát triển nguồn cán bộ nữ được quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ trong các cấp ủy, các ngành, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy vai trò, nhiệm vụ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm, quy hoạch vào các chức danh quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Nhiệm vụ xây dựng, củng cố Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thực sự vững mạnh, cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện. Công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, 100% cán bộ quản lý Hội từ huyện đến cơ sở có trình độ đại học, 80% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Từ năm 2007 đến nay toàn huyện kết nạp mới được 1.399 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 3.674, sinh hoạt tại 09 chi hội, 25 tổ hội.
Hoạt động của Hội phụ nữ các cấp từng bước đổi mới nội dung, phương thức. Các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; triển khai Đề án 343 về tuyên truyền phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2011-2015… Qua đó, đã nâng cao kiến thức, tính năng động, sáng tạo, ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Các phong trào thi đua được các cấp hội phát động, tổ chức từng bước đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa, tiêu biểu như: phong trào “phụ nữ tích cực học tập, lao động động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới... Duy trì các hoạt động giúp đỡ nhau phát triển kinh tế như: mô hình “hũ gạo tình thương”, “mái ấm tình thương”; tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội giúp hội viên vay vốn để phát triển sản xuất. Với việc tăng cường hướng về cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của hội viên, phụ nữ, các cấp hội đã đa dạng hóa các hình thức tập hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên; kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc, nảy sinh từ cơ sở; từng bước phát huy được vài trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy của hội viên và các tầng lớp phụ nữ.
Từ năm 2007 đến nay, toàn huyện Lý Sơn có 65 cán bộ nữ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị; 18/85 cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 chiếm tỷ lệ 11%. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 chiếm tỷ lệ 14,8%.
|
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại như: việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết ở một số nơi vẫn chưa đi vào chiều sâu, chưa sát với tình hình thực tế; thực hiện cơ chế phối hợp, chế độ thông tin báo cáo chưa chặt chẽ. Việc quy hoạch, bố trí cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chưa mạnh dạn, tỷ lệ còn thấp so với yêu cầu đề ra. Nội dung, phương thức hoat động của Hội Liên hiệp phụ nữ còn chậm được đổi mới; một số phong trào thi đua chưa tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, cơ hội có việc làm và thu nhập không cao, số phụ nữ nông thôn thiếu việc làm, di cư tự phát ra ngoài huyện, tỉnh với số lượng lớn, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp…
Qua thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ trên địa bàn huyện Lý Sơn có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, triển khai thực hiện Nghị quyết phải đánh giá đúng thực trạng tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ của huyện và bám sát mục tiêu, quan điểm Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy để trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động thực hiện sâu sát và phù hợp với thực tế, của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của Nghị quyết số 11-NQ/TW và phải luôn quán triệt để mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm đầy đủ, sâu sắc nội dung cơ bản, tinh thần cốt lõi của Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chương trình hành động số 19-Ctr/HU của Huyện ủy, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác của cơ quan, đơn vị và bản thân.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác phụ nữ phải gắn với đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân; chăm lo phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các luật liên quan đến phụ nữ và gia đình để cán bộ, nhân dân hiểu rõ và nâng cao nhận thức hơn về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Thứ tư, chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, quy hoạch lâu dài đội ngũ cán bộ nữ cả về số lượng và chất lượng; mạnh dạn bố trí cán bộ nữ có đủ năng lực giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể.
Thứ năm, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, nghiêm túc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm các chương trình, kế hoạch, đề án, nội dung công tác phụ nữ để kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, tồn tại; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những điển hình tiêu biểu để động viên, cổ vũ và nhân rộng./.
Phạm Văn Vân