Thứ Bảy, 16/11/2024
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để giai cấp công nhân Việt Nam đông về số lượng, mạnh về chất lượng

Trong Tháng Công nhân 2018, ngày 20/5, tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với 1.000 công nhân Đồng bằng sông Hồng với chủ đề “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.


rước khi diễn ra buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
đã đến thăm 11 gian hàng trưng bày 33 sản phẩm “Tự hào Trí tuệ lao động Việt Nam
khu vực Đồng bằng sông Hồng” 

Cùng dự và tham gia buổi đối thoại có  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu mở đầu cho buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui mừng khi được gặp gỡ công nhân của các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng. Qua 2 cuộc gặp gỡ và đối thoại với công nhân ở khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và miền Trung, Thủ tướng khẳng định đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa, được công nhân lao động kỳ vọng và mong muốn trở thành hoạt động thường xuyên.

Thủ tướng khẳng định, Thủ tướng cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và 18 ủy viên Trung ương Đảng có mặt tại đây là để gặp gỡ, trao đổi với công nhân, người lao động. Chính phủ, các cấp chính quyền sẽ thường xuyên đối thoại với công nhân trên cơ sở lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân, người lao động để giải quyết các vấn đề bức xúc, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để giai cấp công nhân Việt Nam đông về số lượng, mạnh về chất lượng, để có năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn cho người lao động.


 Quang cảnh cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng với công nhân Đồng bằng sông Hồng

Mạnh dạn nêu những khó khăn mà công nhân phải đối mặt

Bắt đầu cuộc đối thoại theo đúng tinh thần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu là trao đổi thẳng thắn, mạnh dạn nêu lên những vấn đề, những khó khăn đang gặp phải, chị Phạm Thị Khuyên, Công nhân Cty TNHH Canon Việt Nam phản án, ở Hà Nội, chính quyền và một số doanh nghiệp chỉ bố trí được 10% nhu cầu nhà ở và 1 trường mầm non với số lượng 300 cháu cho công nhân lao động tại KCN. Số còn lại phải thuê nhà và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt rất cao. Chính phủ và chính quyền địa phương cần xây dựng thêm nhiều nhà ở cho công nhân thuê, nhiều trường công lập gần các KCN để công nhân yên tâm làm việc.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhà ở, trường học cho công nhân và con em công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Tại 2 cuộc đối thoại trước, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt và đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Không riêng gì Hà Nội, các địa phương cũng cần dành quỹ đất xây nhà ở xã hội cho công nhân, có hệ thống nhà trẻ để công nhân có chỗ gửi trẻ đạt tiêu chuẩn.

Có mặt tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã xây dựng nhà ở, trường mầm non tại KCN Bắc Thăng Long, riêng nhà cho thuê ở mức 29.000 đồng/m2/tháng. TP cũng giao cho huyện Đông Anh đưa vào hoạt động 2 trường mầm non trong KCN Bắc Thăng Long và sử dụng ngân sách TP triển khai xây nhà cho công nhân tại KCN Bắc Thăng Long với mức giá từ 200-400 triệu/căn. Nhiều thiết chế văn hóa đã và đang được đầu tư tại KCN Bắc Thăng Long, Quang Minh…

Quan tâm đến vấn đề sức khỏe, công nhân Nguyễn Hoài Nam, Công ty cổ phần Prime Group (Vĩnh Phúc) cho biết, sức khỏe của nhiều anh em công nhân đang thực sự báo động bởi làm việc quá căng thẳng không có thời gian nghỉ ngơi; bữa ăn ca không đáp ứng cả lượng và chất, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán chủ yếu ở các chợ cóc dành cho công nhân; môi trường làm việc quá nóng, quá ồn, nhiều hóa chất; nhiều công nhân ốm mà không dám nghỉ, thậm chí giấu bệnh để tiếp tục đi làm, sợ công ty cho nghỉ việc. Trong khi đó, bệnh viện lại ở xa nơi các doanh nghiệp đặt trụ sở và nơi công nhân ở; ít tổ chức khám bệnh ngoài giờ cho phù hợp với đặc thù của công nhân.

“ Chính phủ và các tỉnh, thành phố cần có giải pháp để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, tạo điều kiện cho công nhân khám chữa bệnh ngoài giờ được hưởng chế độ bảo hiểm”, công nhân đến từ Vĩnh Phúc kiến nghị.

Chia sẻ với công nhân Nguyễn Hoài Nam, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, sức khỏe là thứ quý giá với bất cứ ai và ai cũng được quyền khám chữa bệnh, đó là trách nhiệm của ngành Y tế. Tổ chức công đoàn phải có trách nhiệm giám sát thực hiện việc này bởi chăm sóc y tế tốt sẽ tác động đến sức khỏe người lao động, đến năng suất lao động, đến chất lượng giống nòi, đến sự phát triển bền vững của đất nước.


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc đối thoại với công nhân


Yêu cầu lãnh đạo ngành Y tế giải đáp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến lưu ý, công nhân và các doanh nghiệp khi làm hợp đồng cần quan tâm đến vấn đề khám sức khỏe ngoài giờ, có đăng ký cụ thể để ngành bố trí nhân lực. Ngoài ra, việc chăm lo sức khỏe cho người lao động cũng có trách nhiệm rất lớn của người sử dụng lao động. Hiện có nhiều chủ sử dụng doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề sức khỏe của công nhân. Về khám sức khỏe định kỳ, ít nhất hằng năm người lao động phải đi khám một lần, khi cảm thấy bất thường thì cần khám ngay.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế phối hợp với các ngành và địa phương, tập trung giải quyết cơ bản các kiến nghị của công nhân nhằm nâng cao sức khỏe người lao động, nhất là việc hình thành mạng lưới bệnh viện, trạm y tế ngay gần KCN. Doanh nghiệp cũng cần cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức khám chữa bệnh và bữa ăn giữa ca cho công nhân.

“Sức khỏe là điều kiện đầu tiên để người lao động tối ưu hóa tuổi thọ nghề nghiệp, anh chị em công nhân cũng cần lưu tâm giữ gìn sức khỏe, bảo vệ sức khỏe của mình, phản ánh kịp thời tới các cấp công đoàn, kiến nghị, hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề này”, Thủ tướng nói.

Công nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền, Công ty TNHH NMS Việt Nam (Hà Nam) phản ánh, hiện nhiều lao động thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh, tức là giá cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt bởi chủ nhà trọ phải chịu giá này và áp lên người thuê khiến ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sinh hoạt trong khi đồng lương công nhân hết sức eo hẹp.

Trước bức xúc của công nhân Huyền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn EVN Dương Quang Thành cho biết, việc cung ứng điện cho các khu nhà trọ đã được quy định tại Thông tư 16 của Bộ Công thương. Tại các khu nhà trọ được sử dụng giá điện sinh hoạt như giá định điện bậc thang. Việc tăng giá là không đúng quy định pháp luật. EVN sẽ chỉ đạo EVN các địa phương kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời.


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng "Mái ấm công đoàn" cho các công nhân
có hoàn cảnh đặc biệc khó khăn

Băn khoăn vấn đề lương, bảo hiểm

Liên quan đến quyền lợi sát sườn, công nhân Trần Thị Thanh, Công ty TNHH Vietinak (Hưng Yên) kiến nghị, Chính phủ đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 49 năm 2013, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang, bảng lương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép tiền lương của công nhân. “Đại đa số anh em công nhân đang hết sức quan tâm và không đồng tình với phương án sửa đổi này”, chị Thanh nêu.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện Bộ đang lấy ý kiến về sửa đổi Nghị định 49. Hội nghị Trung ương 7 vừa kết thúc cũng có chủ trương nhà nước không can thiệp sâu vào vấn đề tiền lương của doanh nghiệp. Nhà nước sẽ quy định lương tối thiểu để đảm bảo cho người lao động sống được, quy định mức sàn để các doanh nghiệp thương thảo, không được thấp hơn. Người lao động có quyền thỏa thuận với chủ doanh nghiệp, thỏa thuận này có sự can thiệp của tổ chức công đoàn. Việc bỏ thang bảng lương cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, vấn đề tiền lương trong doanh nghiệp đã được đề cập tại Hội nghị Trung ương 7. Theo đó, tiền lương phải được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được tự chủ quyết định chính sách tiền lương trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức công đoàn các cấp theo đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 7, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động.

Dẫn quy định Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ ngày 1/1/2018 hầu hết người lao động nữ về hưu có mức lương hưu được hưởng thấp hơn từ 4% - 10% so với nghỉ hưu từ năm 2017, trong khi đó lao động nam chỉ bị giảm từ 2% đến 10% sau 5 năm, công nhân Hoàng Thúy Lan, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Đồng (Quảng Ninh) nêu nguyện vọng lao động nữ rất muốn được bình đẳng tính lương hưu giống như lao động nam, không nên để lao động nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi, nay về hưu lại thiệt thòi thêm nữa nữa.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo tính toán, từ ngày 1/1/2018, khi Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thì đối tượng lao động nữ bị ảnh hưởng sẽ là 21.000 người, trong đó có 3.000 người chịu thiệt nhiều hơn. Bộ đang trình để có phương án cấp bù cho 3.000 lao động này, đảm bảo bình đẳng giới và nhất định không để lao động nữ bị thiệt thòi.

Lo lắng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động rất lớn đến việc làm của người lao động, các ngành như dệt may, da giầy sẽ bị thu hẹp phần lớn việc làm, công nhân Đoàn Văn Vương, Cty TNHH Youngone (Nam Định) mong muốn Thủ tướng cho biết giải pháp để đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động.

Bày tỏ vui mừng khi công nhân quan tâm đến cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều này thể hiện công nhân rất chủ động, sẵn sàng đón nhận và đối diện những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước.

“Quan điểm của Chính phủ đó là cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Vấn đề là chúng ta phải biến thách thức thành cơ hội. Nhiều việc làm mất đi nhưng phải làm xuất hiện những việc làm mới tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bổ sung, trong cuộc cách mạng 4.0 những ngành sử dụng nhiều lao động đúng là đang đứng trước thách thức rất lớn, vì nhiều công việc của con người sẽ bị robot thay thế. Tuy nhiên thách thức luôn đi đôi với thời cơ, ai chủ động, có trí tuệ và quyết tâm vươn lên được sẽ biến thách thức thành thành công. Tất cả chúng ta đều có cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0 này.


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng học bổng cho các công nhân lao động

“Chúng ta phải tự tin để vươn lên được. Đầu tiên phải có thị trường tiêu thụ, chúng ta phải mở rộng thị trường quốc tế. Thứ hai là cần cải thiện môi trường đầu tư để có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, như vậy sẽ có thêm cơ hội việc làm cho công nhân. Cuộc cách mạng 4.0 thiên về khoa học công nghệ, vì thế yếu tố thứ ba là đòi hỏi người lao động phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy sáng tạo, phát triển công nghệ thông tin ở mọi lĩnh vực. Vấn đề thứ tư là liên quan đến nguồn nhân lực. Chúng ta phải không ngừng học để nâng cao chuyên môn, tăng khả năng thích ứng với những môi trường, công việc mới. Thứ năm, phải sửa đổi luật về lương, bảo hiểm để có những hỗ trợ về việc làm. Tiếp theo là phải xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp. Cuối cùng, vai trò của tổ chức công đoàn là vô cùng quan trọng nên không chỉ dừng ở việc xây dựng thiết chế công đoàn, mà còn phải có những hoạt động góp phần hướng nghiệp, nâng cao tay nghề cho công nhân”, Phó Thủ tướng nêu.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, chủ đề buổi đối thoại là “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”, tuy nhiên năng suất của nước ta so với khu vực còn thấp. Năng suất lao động không phụ thuộc hoàn toàn vào công nhân, mà còn phụ thuộc vào việc tái cơ cấu nền kinh tế, tạo việc làm hơn nữa cho lực lượng lao động trẻ và công nhân cũng phải không ngừng nâng cao năng lực để cải thiện tay nghề, phải hiểu biết về công việc đang làm, có kỹ năng thành thạo và đạo đức, tình cảm đối với nghề nghiệp đó.

Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị thời gian tới, Chính phủ có những quyết sách để thực hiện tốt hơn mục tiêu bình đẳng giới, nhất là vấn đề lương của lao động nữ so với lao động nam đồng thời nhắn nhủ, công nhân không nên chọn giải pháp đình công trong khi còn có thể trao đổi, thương lượng, đối thoại với chủ sử dụng lao động. Người lao động phải biết được quyền của mình là có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động, biết sử dụng thỏa ước lao động tập thể để đảm bảo quyền của mình. Tổ chức công đoàn cũng sẽ hỗ trợ công nhân đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Nhà nước đối với người lao động. Bên cạnh đó, 2/3 là lao động của nước ta là lao động trẻ cũng cần trang bị để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, thực sự nhạy bén, có hoài bão đưa đất nước phát triển.

Cần tập trung giải quyết nguyện vọng chính đáng của công nhân, người lao động

Khép lại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công nhân hiện còn gặp nhiều khó khăn, một số vấn đề lớn mà công nhân đặc biệt quan tâm, bức xúc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Các bộ, ngành và địa phương cần tập trung giải quyết nguyện vọng chính đáng của công nhân, người lao động, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lắng nghe doanh nghiệp và người lao động, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, quan tâm xây dựng các thiết chế công đoàn.

Đối với công nhân, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo việc làm đồng thời yêu cầu công nhân cũng cần phát huy tinh thần tự cường, tự rèn luyện nâng cao tay nghề, năng suất lao động, nắm bắt được thời cơ mới của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với doanh nghiệp, để nâng cao năng suất và phúc lợi cho người lao động, các doanh nghiệp cần phải  tập trung ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ đi đôi với đào tạo đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề. “Không có nguồn nhân lực tốt thì không có doanh nghiệp tốt”, Thủ tướng nói.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định hỗ trợ 18 “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn (mỗi mái ấm trị giá 50 triệu đồng); trao học bổng cho 65 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp của 11 tỉnh Đồng bằng sông Hồng (mỗi suất trị giá 6 triệu đồng).

Trước khi diễn ra buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm 11 gian hàng trưng bày 33 sản phẩm “Tự hào Trí tuệ lao động Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Hồng”./.

 Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường, sau 2 năm thực hiện các nội dung trao đổi giữa Thủ tướng với công nhân và kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiều chủ trương, chính sách, những kiến nghị, đề xuất thiết thực của đoàn viên, người lao động được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Điển hình như chính sách về tiền lương, tình trạng xử lý vấn đề nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, người sử dụng lao động bỏ trốn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách về lao động nữ…

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 20/5/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất