Thứ Bảy, 16/11/2024
Cảnh giác việc núp bóng “lòng yêu nước”, tránh bị lợi dụng, kích động

Với danh nghĩa thể hiện lòng yêu nước phản đối việc thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), trong những ngày vừa qua, một số người dân đã tụ tập và biểu tình trái phép tại một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bình Dương...; trong đó có những cuộc tụ tập gây mất an ninh trật tự và thậm chí có một số đối tượng quá khích còn đập phá trụ sở UBND, đốt ô tô, phá hủy tài sản của tổ chức, cá nhân.

Việc này cần được nhìn nhận ra sao và khi cần bày tỏ chính kiến trước các vấn đề lớn của đất nước, kể cả những ý kiến phản đối hay không đồng tình thì người dân cần được thể hiện qua phương thức nào cho hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Từ góc nhìn của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam - nơi đại diện cho các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân, nơi người dân có thể gửi gắm tâm tự nguyện vọng của mình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đã trao đổi với báo chí về vấn đề này, vào chiều 12/6.

PV: Thưa Bà, từ góc nhìn của MTTQ Việt Nam - nơi đại diện cho các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân, nơi người dân có thể gửi gắm tâm tự nguyện vọng của mình, bà nhìn nhận thế nào về những sự việc vừa qua?

Bà Bùi Thị Thanh: Từ ngày 4/6/2018, trên mạng xã hội cũng như báo cáo của các địa phương, chúng tôi nhận thấy có một số biểu hiện tụ tập, lôi kéo người dân xuống đường biểu tình nhằm phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.

Từ ngày 10/6 đến rạng sáng 11/6 xảy ra tình trạng tụ tập đông người biểu tình, đập phá tài sản, gây mất trật tự công cộng, vi phạm pháp luật ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Thuận.

Chúng tôi đã có đánh giá sơ bộ trong những ngày qua, nguyên nhân chính là do các lực lượng chống đối, một số phần tử xấu lợi dụng khi Quốc hội bàn dự thảo Luật Đặc khu, lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động, lôi kéo, người dân chưa có đầy đủ thông tin nên đã tham gia các hoạt động nói trên.

Việc người dân nhiều địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận thiếu thông tin, bị lôi kéo, kích động tham gia phản ứng dự thảo Luật Đặc khu - trong khi Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời gian trình để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật là điều rất đau xót, đáng tiếc; làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

PV: Một số người cho rằng các cuộc biểu tình tự phát này là nhằm phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) với quy định cho thuê đất lên tới 99 năm, là thể hiện yêu nước. Lắng nghe ý kiến của Nhân dân về dự Luật, Chính phủ đã trình Quốc hội lùi thời hạn xem xét thông qua Luật này, khẳng định không đề xuất thời hạn cho thuê đất 99 năm. Thế nhưng sau đó, những cuộc tụ tập biểu tình tự phát với biểu ngữ "phản đối đặc khu" vẫn cứ diễn ra. Bà có phân tích ra sao về diễn biến của một sự việc được mang danh là "yêu nước" như vậy?

Bà Bùi Thị  Thanh: Lòng yêu nước chân chính không bao giờ song hành cùng chủ nghĩa cực đoan, không đồng nghĩa với hành động quá khích. Lòng yêu nước được thể hiện một cách đúng đắn, tỉnh táo và sáng suốt mới là nguồn lực quan trọng để củng cố, tăng cường  thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người dân Việt Nam với tình cảm yêu nước đừng để lòng yêu nước đó bị kẻ xấu lợi dụng.

Thực tế các dự thảo Luật nói chung và Luật Đặc khu nói riêng, Quốc hội trong quá trình chỉ đạo và xây dựng Luật đều tuân thủ quy trình chặt chẽ, có tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp Nhân dân.

Đối với dự thảo Luật Đặc khu khi Quốc hội đang bàn có liên quan đến thời hạn cho thuê đất đến 99 năm thì một số người dân do hiểu biết không thật sự đầy đủ hoặc không nắm được thông tin đầy đủ đã bị kẻ xấu lợi dụng để kích động, lôi kéo vào các cuộc biểu tình như một cách thể hiện chính kiến, phản đối lại dự thảo Luật.

Quốc hội và Chính phủ luôn cầu thị và lắng nghe ý kiến của các tầng lớp Nhân dân. Đối với MTTQ Việt Nam, tổ chức để tham gia góp ý phản biện dự thảo Luật thông qua các ý kiến góp ý của các tầng lớp Nhân dân theo hệ thống Mặt trận, qua các hội nghị góp ý phản biện của MTTQ Việt Nam với nhiều ý kiến trách nhiệm của các nhà khoa học, những trí thức và các tầng lớp Nhân dân ở địa phương.

Lắng nghe ý kiến của Nhân dân về dự thảo Luật, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời gian trình để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật để Quốc hội thông qua vào kỳ họp sau. Tuy nhiên, do thiếu thông tin, người dân ở nhiều địa phương bị lôi kéo kích động, trở thành công cụ, tiếp tay cho kẻ xấu kích động gây rối mất an ninh chính trị, trật tự xã hội, phá hoại tài sản nhà nước, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

PV: Thưa Bà, được bày tỏ chính kiến, kiến nghị đề xuất về một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước là nhu cầu chính đáng của người dân. Vậy, xin Bà có thể chia sẻ, hiện người dân có thể đóng góp ý kiến tâm huyết, bày tỏ thái độ, chính kiến của mình trước các những vấn đề quan trọng của đất nước qua các kênh như thế nào?

Bà Bùi Thị Thanh: Phải khẳng định rằng trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đặc khu, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối để tiếp thu đầy đủ để điều chỉnh dự thảo Luật Đặc khu theo ý kiến phản biện của các tầng lớp Nhân dân thông qua kênh MTTQ Việt Nam. Sự cầu thị đó ít người nhắc đến, ít ai thấy sự phản biện tích cực, mang tính xây dựng rất cao đến từ MTTQ Việt Nam đã được tiếp thu như thế nào. Tuy nhiên, do thiếu thông tin, không ít người lại xuyên tạc, bóp méo thông tin, dẫn dắt dư luận hiểu sai bản chất sự việc, tạo hiệu ứng tiêu cực trong xã hội rằng Chính phủ chưa lắng nghe người dân.

Để thực hiện điều đó, người dân có nhiều kênh thông tin. Người dân có thể góp ý xây dựng Nhà nước qua các kênh thông tin chính thống thông qua hệ thống MTTQ các cấp, qua kênh báo chí chính thống.

Các trang mạng xã hội cũng là một kênh tham khảo, tuy nhiên cách nghe, cách tiếp cận thông tin phải có định hướng để hướng cho người dân hiểu biết sâu hơn về lĩnh vực đó, để không bị lợi dụng, kéo theo các trang mạng xã hội để tin theo những suy diễn lệch lạc.

MTTQ Việt Nam với vai trò là trung tâm đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp Nhân dân, có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến của Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Người dân có thể thông qua các tổ chức thành viên, qua hệ thống Mặt trận các cấp để lắng nghe ý kiến của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo các dự thảo về dự án, kế hoạch chính sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.

Người dân thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho công việc quốc gia là điều đáng quý, đáng trân trọng, là điều nên thường trực ở mỗi công dân. Nhưng, nếu thiếu bình tĩnh, sáng suốt, chính những sự quan tâm ấy lại trở thành sự cản trở đối với sự phát triển của đất nước.

PVQua vụ việc liên quan dự thảo Luật Đặc khu, theo bà, làm sao để giải quyết tận gốc vấn đề này nhằm tránh những trường hợp tái diễn trong tương lai?

Bà Bùi Thị Thanh: Trước diễn biến trong những ngày qua, chúng ta cần nhớ lại lời dạy và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải dựa vào dân, thấu hiểu lòng dân, lắng nghe ý kiến của dân, phải nói cho dân hiểu và làm cho dân tin.

Trước mắt phải tăng cường phối hợp để thực hiện tốt công tác tuyên truyền,  vận động giải thích để người dân hiểu đúng sự cần thiết phải ban hành các dự thảo Luật mà Quốc hội đang chuẩn bị cũng như để người dân thấy được ảnh hưởng từ việc bị lôi kéo kích động, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của chính họ.

Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc đối thoại, tọa đàm để người dân trao đổi thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng; từ đó lắng nghe, tiếp thu ý kiến, có sự phối hợp với các cơ quan liên quan đưa ra các giải pháp phù hợp, sát thực tế.

Mỗi người dân cần tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, để thể hiện lòng yêu nước của mình cho đúng, tránh tình trạng bị lợi dụng, kích động. Bên cạnh đó, cần tăng cường đối thoại với dân, đổi mới phương pháp, cách làm để nắm bắt tư tưởng, tình hình Nhân dân. Đối với những hành vi gây rối, quá khích đập phá, vi phạm pháp luật gây thiệt hại về kinh tế và trật tự an toàn xã hội, cần xử lý nghiêm theo quy định để người dân không bị lôi kéo bởi những đối tượng đó.

Đặc biệt, MTTQ cần phối hợp với khối Dân vận tăng cường công tác tuyên truyền, vận động “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin” để góp phần cùng Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương sớm ổn định trở lại cuộc sống bình thường.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà!

Theo Báo điện tử ĐCS 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất